Tranh chấp nuôi con khi ly hôn

 Khi giải quyết tranh chấp nuôi con khi ly hôn, Tòa án sẽ căn cứ trên những nguyên tắc sau đây:

 Thứ nhất, khuyến khích vợ/chồng thỏa thuận với nhau về việc nuôi dưỡng chăm sóc con khi ly hôn

 Để tránh ảnh hưởng đến con, cũng như có thể giữ mối quan hệ giữa cha mẹ với con sau khi ly hôn thì pháp luật ưu tiên cha, mẹ thỏa thuận với nhau về việc nuôi con sau khi cha mẹ ly hôn. Tòa án chỉ giải quyết khi vợ / chồng không thể thỏa thuận được với nhau và có tranh chấp về việc nuôi con và yêu cầu Tòa án giải quyết.

 Thứ hai, Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.

 Theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình thì chỉ trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc có thỏa thuận khác tốt hơn cho con còn lại con dưới 36 tháng tuổi sẽ do mẹ trực tiếp nuôi. Sở dĩ pháp luật quy định như vậy là để đảm bảo lợi ích cho con, thông thường con dưới 36 tháng tuổi còn nhỏ sẽ cần mẹ chăm sóc nên việc giao con dưới 36 tháng tuổi cho mẹ trực tiếp nuôi là hợp lý.

 Thứ ba, Nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con

 Khi con đủ 7 tuổi thì lúc này con đã có thể bộc lộ mong muốn của mình về việc muốn ở với mẹ hay với bố. Cùng với việc căn cứ vào các điều kiện của bố, mẹ và nguyện vong của con Tòa án sẽ quyết định giao con trên 7 tuổi cho bố hoặc mẹ nuôi.

 Thứ tư, Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

 Bên không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con. Mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được tòa án sẽ căn cứ vào nhu cầu của con và khả năng của bên không trực tiếp nuôi con để quyết định mức cấp dưỡng.

 Thứ năm, thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

 Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:

 a) Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;

 b) Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

 Như vậy, sau khi ly hôn nếu có thỏa thuận hoặc có yêu cầu, Tòa án có thể thay đổi người trực tiếp nuôi con.

 Tóm lại, khi xem xét quyết định giao con cho ai trực tiếp nuôi dưỡng tòa án sẽ căn cứ vào điều kiện kinh tế, khả năng giáo dục, thời gian chăm con…..để quyết định đảm bảo lợi ích tốt nhất cho con. Do đó, cha mẹ muốn giành quyền nuôi con cần chứng minh mình có điều kiện nuôi con tốt hơn, con ở với mình sẽ được nuôi dưỡng giáo dục tốt hơn người còn lại.

 Quý khách có nhu cầu tư vấn pháp luật về hôn nhân và gia đình hãy liên hệ với Luật DeHa để được tư vấn và cung cấp dịch vụ luật sư tư vấn pháp luật về hôn nhân và gia đình. Xin cảm ơn./.

 

  

  

  

  

  

 Tag: cái