Khung pháp lý là gì

 Khung pháp lý là gì

 Khung pháp lý còn được gọi là hành lang pháp lý là tập hợp các quy định pháp luật hợp thành thể chế, chế định có tính chuyên ngành riêng dành cho việc điều chỉnh một loại quan hệ xã hội cùng tính chất, liên hệ với nhau, để phân biệt với các quan hệ xã hội khác, bảo đảm sự thống nhất cho sự vận hành của các quan hệ xã hội cùng loại đó.

 Nhà nước ban hành pháp luật để điều chỉnh các quan hệ xã hội. Nhưng các quan hệ xã hội được pháp luật điều chỉnh rất đa dạng, mỗi loại lại có các đặc điểm khác nhau, trong thực tế diễn ra theo những hướng khác nhau, có khi nhiều quan hệ xã hội xảy ra cùng nhau đặt ra cho các nhà nước vấn đề cần phải xử lý.

 Nhà nước dùng pháp luật, ban hành thành những luật, nghị định, thông tư,..để định khuôn khổ cho từng loại quan hệ xã hội với một cách riêng khác biệt với các quan hệ xã hội khác.

 Khung pháp lý về tiền ảo

 Xuất hiện ngày càng nhiều tại Việt Nam với các loại tiền ảo như Bitcoin, Pi Network, Ripple, Bitcoin Cash, Litecoin… cộng đồng những người tham gia đầu tư tiền ảo đang ngày càng nhiều và mức giao dịch ngày càng tăng.

 Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, hiện nay, Việt Nam chưa có quy định pháp lý điều chỉnh hoạt động phát hành, mua bán, trao đổi tiền ảo, tài sản ảo, cũng như chưa quy định đơn vị chính thức quản lý việc phát hành và giao dịch các đồng tiền ảo, tài sản ảo.

 Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho biết các hoạt động mua bán, trao đổi các đồng tiền ảo do một số cá nhân tại Việt Nam thực hiện thông qua các sàn giao dịch tiền ảo quốc tế như Binance, Coinbase Okex, Houbi, Bittrex, Remitano, Santienao, Kenniex… hoặc thông qua hình thức thỏa thuận trực tiếp tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Các giao dịch tiền ảo chủ yếu là mua đi, bán lại trên sàn giao dịch tiền ảo nằm ngoài lãnh thổ Việt Nam.

 Ngay từ năm 2014 cho đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo về những rủi ro, nguy cơ đối với các hoạt động, giao dịch liên quan các loại tiền ảo.

 Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh theo các quy định pháp luật hiện hành, tiền ảo không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Ngân hàng Nhà nước khuyến cáo các tổ chức, cá nhân cần thận trọng, không nên đầu tư, nắm giữ, thực hiện các giao dịch liên quan đến tiền ảo.

 Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết tiền ảo không phải đồng tiền pháp định, nó là loại tài sản ảo được mã hóa. Đây là sản phẩm hiện đại của sự phát triển công nghệ, không phải phương tiện thanh toán và pháp luật Việt Nam không cho phép thực hiện chức năng của đồng tiền pháp lệnh tại Việt Nam.

 Đến nay, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan chuyên môn ở nước ta vẫn chưa có định nghĩa cụ thể về tiền ảo. Theo Chỉ thị (EU) 2018/843 năm 2018 [1] của Nghị viện và Hội đồng châu Âu, thuật ngữ “tiền ảo” có nghĩa là một đại diện kỹ thuật số về giá trị không được phát hành hoặc bảo đảm bởi ngân hàng trung ương hoặc cơ quan công quyền, không nhất thiết phải gắn với một loại tiền tệ được thành lập hợp pháp và không có tư cách pháp lý của tiền tệ hoặc tiền, nhưng được các thể nhân hoặc pháp nhân chấp nhận như một phương tiện trao đổi và có thể được chuyển giao, lưu trữ và giao dịch điện tử.

 Theo nhiều nguồn thông tin thì tiền ảo ra đời vào năm 2008 do một người có tên là Satoshi Nakamoto đã sáng tạo ra và người này cũng là cha đẻ đồng Bitcoin. Những năm sau đó các đồng tiền ảo khác như Ethereum (ETH), Binance Coin (BNB) Tether (USDT)… cũng lần lượt ra đời.

 Hiện nay, có không ít người nhầm lẫn tiền ảo với tiền trong ví điện tử (như Momo, VNPay, AirPay). Ví điện tử là loại dịch vụ trung gian thanh toán hợp pháp được pháp luật quy định cụ thể tại Thông tư số 39/2014/TT-NHNN ngày 11/12/2014 của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 23/2019/TT-NHNN ngày 22/11/2019). Ví điện tử không tạo ra đồng tiền ảo, mà chúng chỉ lưu giữ một giá trị tiền tệ được bảo đảm bằng đúng giá trị tiền gửi (đồng Việt Nam) tương đương với số tiền được chuyển từ tài khoản thanh toán của khách hàng tại ngân hàng vào tài khoản bảo đảm thanh toán của tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử theo tỷ lệ 1:1 và được sử dụng làm phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt.

 Ngoài ra, “tiền xu” của Tiki hoặc của Shopee không phải là tiền ảo. “Tiền xu” này chỉ là tên gọi của “phiếu mua hàng điện tử” hoặc “phương thức khuyến mãi” được dùng để hỗ trợ giảm giá, cấn trừ giá mua hàng hóa của người tiêu dùng trong chính sàn thương mại điện tử đó.

 Khung pháp lý cho condotel

 Chia sẻ tại Hội thảo Góp ý dự thảo nghị định sửa đổi các nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai do VCCI và Bộ TN&MT tổ chức, bà Hoàng Thị Vân Anh – Vụ trưởng Vụ pháp chế Bộ TN&MT cho biết những quy định liên quan đến chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng là căn hộ – khách sạn, văn phòng lưu trú, biệt thự nghỉ dưỡng…

 Cụ thể, sửa đổi Điều 32 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP, theo đó, chủ sở hữu công trình phục vụ mục đích lưu trú, du lịch được chứng nhận quyền sở hữu phải đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của Luật Xây dựng, Luật Kinh doanh bất động sản.

 Việc chứng nhận quyền sở hữu được thực hiện theo quy định tại Điều 32 của Nghị định này. Việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này phải đúng mục đích và thời hạn sử dụng đất theo quy định của pháp luật.”

 Bà Vân Anh cũng cho biết, điểm mới liên quan đó là sửa đổi, bổ sung Điều 72 thêm trình tự, thủ tục đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua nhà ở, công trình xây dựng trong các dự án kinh doanh bất động sản không phải dự án phát triển nhà ở.

 Theo đó, sau khi hoàn thành công trình, chủ đầu tư có trách nhiệm gửi Sở Tài nguyên và Môi trường các giấy tờ: giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; chứng từ thực hiện nghĩa vụ tài chính của chủ dự án; trong trường hợp có thay đổi nghĩa vụ tài chính thì phải nộp chứng từ chứng minh việc hoàn thiện nghĩa vụ tài chính đối với sự thay đổi đó (trừ trường hợp được miễn hoặc chậm nộp theo quy định của pháp luật).

 Bản vẽ thiết kế mặt bằng phù hợp với hiện trạng xây dựng và hợp đồng đã ký; Thông báo của cơ quan chuyên môn về xây dựng cho phép chủ đầu tư nghiệm thu công trình hoặc chấp thuận kết quả nghiệm thu hoàn thành công trình đưa vào sử dụng theo quy định của pháp luật về xây dựng; diện tích đất, diện tích xây dựng, diện tích sử dụng chung, diện tích sử dụng riêng của từng hạng mục công trình.

 Theo đó, trong thời hạn không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm kiểm tra hiện trạng sử dụng đất, nhà ở và công trình đã xây dựng và điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất, bán nhà ở, công trình xây dựng của chủ đầu tư dự án.