“Đại đoàn kết, đại thành công” chỉ dẫn quan trọng của Bác Hồ

 Đoàn kết và đại đoàn kết là tư tưởng lớn, có tầm chiến lược trong đường lối và phương pháp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

 Suốt đời vì nước vì dân là phẩm chất cao quý, nổi bật và nhất quán trong cuộc đời và sự nghiệp của Người. Hồ Chí Minh đã từng nói, phục vụ Nhân dân là phục tùng một chân lý cao nhất. Tin tưởng mãnh liệt vào vai trò to lớn và sức sáng tạo của dân, Người dày công gây dựng và phát triển các phong trào quần chúng để tạo nên sức mạnh toàn dân dựa trên sức mạnh của lòng yêu nước thương nòi, truyền thống anh hùng bất khuất của dân tộc, sức cố kết cộng đồng, giá trị cao quý của đạo đức, văn hóa Việt Nam.

 Người khẳng định, trong bầu trời không gì quý bằng Nhân dân, trong thế giới không gì mạnh bằng sức mạnh đoàn kết của Nhân dân. Và, thực hành dân chủ rộng rãi là chiếc chìa khóa vạn năng để giải quyết mọi khó khăn, để thực hiện mọi nhiệm vụ.

 Người nhiều lần nhắc lại câu ca dao bình dị trong đời sống thường nhật của dân mà có ý nghĩa như đúc kết một chân lý.

 “Dễ trăm lần không dân cũng chịu

 Khó vạn lần dân liệu cũng xong”.

 Một trong những tổng kết thực tiễn lớn đồng thời là một kết luận khoa học chính xác nhất mà Người nêu lên là “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”.

 Vượt qua mọi thử thách của thời gian, tư tưởng đó của Người trở thành một giá trị bền vững như quy luật tồn tại và phát triển của muôn đời.

 Trong các tác phẩm, văn kiện chính trị, thư từ và lời kêu gọi cổ vũ đồng bào đoàn kết đánh đuổi thực dân đế quốc, cứu nước cứu nhà, khởi nghĩa giành chính quyền, gây dựng chế độ mới… tư tưởng chủ đạo của Người là “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”. Muốn vậy phải đoàn kết lại, đồng tâm nhất trí, đồng sức đồng lòng để thực hiện mục tiêu, lý tưởng. Người luôn nhấn mạnh phải dựa vào sức mạnh đông đảo của Nhân dân. Chiến lược đoàn kết, đại đoàn kết được Người khéo léo và tinh tế chuyển thành đường lối, phương pháp và chính sách, thành khẩu hiệu tuyên truyền, thành các biện pháp cụ thể, thiết thực mà Người gọi là “cách làm”, vừa là khoa học vừa là nghệ thuật. Người định nghĩa chính trị nổi bật ở hai điều cốt yếu: Đoàn kết và thanh khiết.

 Cách mạng muốn thành công phải có đủ thiên thời, địa lợi, nhân hòa mà nhân hòa là quyết định. “Nhân hòa” là kết quả do dân chủ – đoàn kết – đồng thuận mà thành. Để dân chúng ủng hộ cách mạng phải làm cho dân hiểu mục đích cần làm, phương pháp cần theo, phương châm cần thực hiện, quan điểm, nguyên tắc cần giữ vững, từ đó dân tin, dân giúp đỡ, dân ủng hộ, dân bảo vệ. Người nhấn mạnh, không chỉ có quyết tâm mà phải giữ được tín tâm, nên cán bộ, đảng viên phải có đức hy sinh, gương mẫu và tiên phong, luôn biết cách làm dân vận cho đúng, cho khéo. Bảo đảm lợi quyền chính đáng của dân là điều mấu chốt để đoàn kết dân, củng cố mối liên hệ máu thịt giữa dân với Đảng, giữa dân với nước, làm sao cho dân thấy rõ, cảm nhận trực tiếp đức Trung – Hiếu, tận trung với nước, với Đảng, tận hiếu với dân của cán bộ, đảng viên, nhất là những người đứng đầu, mang trọng trách lớn.

 Những chỉ dẫn đó của Người giản dị, thiết thực mà vô cùng sâu sắc.

 Ở cương vị người đứng đầu Chính phủ, là Chủ tịch nước – nguyên thủ quốc gia trong một thời gian dài – 24 năm liền, Người hết lòng chăm lo củng cố sự đoàn kết nhất trí trong Đảng, nhất là khi Đảng đã cầm quyền. Trong Di chúc, Người căn dặn bao điều hệ trọng, trước hết nói về Đảng, mà trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trước hết là vấn đề đoàn kết trong Đảng. Phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí trong Đảng, từ Trung ương tới chi bộ như giữ gìn con ngươi của mắt mình. Đẩy mạnh thường xuyên tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát huy sức mạnh đoàn kết của Đảng, làm gương mẫu cho sự đoàn kết dân tộc và đoàn kết xã hội. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau. Nước ta là nước đa dân tộc nên sức mạnh đoàn kết phải làm cho các dân tộc đa số cũng như thiểu số trong đại gia đình dân tộc Việt Nam thương yêu, đoàn kết, tôn trọng, tin cậy, bình đẳng giúp đỡ nhau cùng phát triển. Phải có chính sách dân tộc đúng đắn để chăm lo đời sống cho đồng bào các dân tộc thiểu số ở miền núi và ở những vùng đặc biệt khó khăn bằng cách phát triển kinh tế, văn hóa, chăm lo giáo dục, y tế cho đồng bào, chú trọng đào tạo cán bộ người dân tộc thiểu số, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đoàn kết dân tộc gắn liền với đoàn kết các tôn giáo, tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, phong tục, tập quán, lối sống của đồng bào dân tộc thiểu số, vùng tôn giáo, xây dựng đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, động viên thuyết phục đồng bào khắc phục những tập tục lạc hậu, lỗi thời.

 Không chỉ chú trọng đoàn kết trong nước, Hồ Chí Minh còn nỗ lực thực hiện đoàn kết quốc tế. Một trong những thông điệp ngoại giao sớm nhất mà Người nêu lên là “Việt Nam mong muốn là bạn bè của tất cả các nước dân chủ”. Trong các cuộc kháng chiến chống thực dân đế quốc, Người luôn chủ trương “thêm bạn bớt thù”, tranh thủ sự ủng hộ và giúp đỡ của bầu bạn quốc tế đối với sự nghiệp chính nghĩa của Nhân dân ta.

 Tư tưởng và đường lối đại đoàn kết của Hồ Chí Minh, nhất là phương châm và phương pháp thực hành đoàn kết của Người đã có ảnh hưởng và hiệu ứng to lớn, sâu sắc ở trong nước và trong đời sống chính trị thế giới ở thế kỷ XX, sẽ còn được mãi mãi nhắc đến như một cống hiến xuất sắc của Người vào kho tàng văn hóa nhân loại với những đặc sắc của văn hóa hòa bình và văn hóa khoan dung như một đặc trưng nổi bật của chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh.

 Nguồn: https://baodantoc.vn/dai-doan-ket-dai-thanh-cong-chi-dan-quan-trong-cua-bac-ho-1612611177419.htm

  

  

  

  

  

  

  

 Tag: phân tích trích