Giám định tư pháp là gì – Quy trình giám định tư pháp với sản phẩm văn hóa

 Giám định là việc người giám định sử dụng kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ để kết luận về chuyên môn những vấn đề có liên quan đến hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự, giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính theo trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng hoặc theo yêu cầu của người yêu cầu giám định.  Việc giám định được tiến hành bằng hai hình thức là trưng cầu giám định và yêu cầu giám định.

Giám định tư pháp là gì

 Giám định tư pháp là một loại hoạt động bổ trợ tư pháp, là công cụ quan trọng, phục vụ đắc lực cho hoạt động điều tra, truy tố và xét xử, góp phần quan trọng vào việc giải quyết các vụ án được chính xác, khách quan, đúng pháp luật.

Quy trình giám định tư pháp với sản phẩm văn hóa

 1. Tiếp nhận yêu cầu, trưng cầu giám định

 Người giám định tư pháp đối với sản phẩm văn hóa (sau đây gọi là người giám định tư pháp), tổ chức giám định tư pháp đối với sản phẩm văn hóa (sau đây gọi là tổ chức giám định tư pháp) tiếp nhận trưng cầu, yêu cầu giám định kèm theo đối tượng giám định và tài liệu, đồ vật có liên quan (nếu có) để thực hiện giám định; trường hợp không đủ điều kiện giám định thì từ chối theo quy định của pháp luật.

 Việc giao, nhận hồ sơ, đối tượng trưng cầu, yêu cầu giám định tư pháp đối với sản phẩm văn hóa được giao, nhận trực tiếp hoặc gửi cho cá nhân, tổ chức thực hiện giám định qua đường bưu chính. Việc giao, nhận trực tiếp hồ sơ, đối tượng trưng cầu, yêu cầu giám định được lập thành biên bản, chỉ nhận trưng cầu, yêu cầu giám định tư pháp đúng đối tượng và không thuộc diện phải từ chối theo quy định của pháp luật. Việc gửi hồ sơ, đối tượng trưng cầu, yêu cầu giám định qua đường bưu chính được thực hiện theo hình thức gửi dịch vụ có số hiệu.

    2. Chuẩn bị thực hiện giám định

 – Người giám định tư pháp, tổ chức giám định tư pháp tiến hành nghiên cứu hồ sơ trưng cầu, yêu cầu và các quy định cụ thể của pháp luật có liên quan để chuẩn bị thực hiện giám định tư pháp. Trường hợp cần làm rõ thêm về nội dung trưng cầu, yêu cầu giám định, đối tượng giám định thì đề nghị người trưng cầu, yêu cầu cung cấp thêm thông tin, tài liệu có liên quan.

 – Tổ chức giám định tư pháp căn cứ vào hồ sơ trưng cầu, yêu cầu giám định để lựa chọn giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc phù hợp, phân công người chịu trách nhiệm điều phối việc thực hiện giám định tư pháp.

 – Tổ chức giám định tư pháp tiến hành giám định tư pháp đối với đối tượng giám định bằng hình thức giám định tập thể. Số lượng người giám định tư pháp phải từ 03 người trở lên.

 – Trường hợp cần thiết, người giám định tư pháp tổ chức lấy kết quả xét nghiệm hoặc kết luận chuyên môn khác trước khi đưa ra đánh giá.

    3. Thực hiện giám định

 – Người giám định tư pháp xem xét đối tượng giám định (sản phẩm văn hóa) và các tài liệu liên quan để đưa ra nhận định chuyên môn về đối tượng giám định trên cơ sở các yêu cầu về: Xem xét tổng thể nội dung sản phẩm văn hóa; Xem xét các đặc điểm về hình dáng, kích thước, màu sắc, trang trí và các đặc điểm khác có liên quan của sản phẩm văn hóa.

 – Đối với đối tượng giám định không thể di chuyển hoặc khó di chuyển, người giám định tư pháp phải tổ chức xem xét đối tượng giám định tại nơi lưu giữ của người yêu cầu, trưng cầu. Việc tổ chức xem xét đối tượng giám định tại nơi lưu giữ của người trưng cầu, yêu cầu phải được lập thành biên bản và được lưu trong hồ sơ giám định.

 – Người giám định tư pháp có trách nhiệm ghi nhận kịp thời, đầy đủ, trung thực toàn bộ quá trình giám định, kết quả thực hiện giám định bằng văn bản và được lưu trong hồ sơ giám định.

    4. Kết luận giám định

 Căn cứ kết quả giám định tư pháp, kết quả xét nghiệm hoặc kết luận chuyên môn khác (nếu có), quy định của pháp luật có liên quan hoặc các chuẩn mực chung về văn hóa, người giám định tư pháp kết luận về đối tượng giám định.

    5. Bàn giao kết luận giám định

 Khi việc thực hiện giám định tư pháp đối với sản phẩm văn hóa hoàn thành, người giám định tư pháp, tổ chức giám định tư pháp có trách nhiệm bàn giao Kết luận giám định cho người trưng cầu, yêu cầu giám định.

    6. Lập hồ sơ, lưu gi h sơ giáđịnh

 Người giám định tư pháp, tổ chức giám định tư pháp có trách nhiệm lập hồ sơ giám định tư pháp đối với sản phẩm văn hóa theo.

 Việc bảo quản, lưu giữ hồ sơ giám định tư pháp thực hiện theo quy định của pháp luật về lưu trữ.

Quy định về chi phí giám định tư pháp

 Điều 36 Luật Giám định tư pháp năm 2012 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020) quy định về chi phí giám định tư pháp: Người trưng cầu giám định, người yêu cầu giám định có trách nhiệm trả chi phí giám định tư pháp cho cá nhân, tổ chức thực hiện giám định tư pháp theo quy định của pháp luật về chi phí giám định tư pháp.  Kinh phí thanh toán chi phí giám định tư pháp mà cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm chi trả được bảo đảm từ ngân sách nhà nước theo dự toán hằng năm của cơ quan đó để thực hiện nhiệm vụ giám định tư pháp.

 Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Pháp lệnh chi phí giám định, định giá; chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch trong tố tụng năm 2012, chi phí giám định là số tiền cần thiết, hợp lý phải chi trả cho công việc giám định do tổ chức, cá nhân thực hiện giám định tính căn cứ vào quy định của Pháp lệnh này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

 Theo quy định tại Điều 3, 4, 5, 6 Nghị định 81/2014/NĐ-CP, căn cứ tính chất của đối tượng và nội dung giám định cụ thể, chi phí giám định bao gồm một hoặc một số chi phí sau đây:

 (1) Chi phí tiền lương, thù lao cho người thực hiện giám định.

 – Xác định chi phí tiền lương: Chi phí tiền lương được áp dụng trong trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng ra quyết định trưng cầu giám định đối với tổ chức giám định tư pháp công lập, tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập và tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc (sau đây gọi là tổ chức thực hiện giám định). Tổ chức thực hiện giám định căn cứ vào nội dung yêu cầu giám định, khối lượng công việc, thời gian cần thiết thực hiện giám định và các quy định của chế độ tiền lương hiện hành áp dụng đối với mình xác định chi phí tiền lương làm cơ sở thông báo cho cơ quan tiến hành tố tụng.

 – Xác định chi phí thù lao: Chi phí thù lao được áp dụng trong trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng ra quyết định trưng cầu giám định đối với giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc là người không hưởng lương từ ngân sách nhà nước và người đang hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc là người không hưởng lương từ ngân sách nhà nước căn cứ nội dung yêu cầu giám định, khối lượng công việc, thời gian cần thiết thực hiện giám định và tiền lương, thu nhập thực tế của mình xác định mức thù lao hợp lý thông báo cho cơ quan tiến hành tố tụng. Giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc là người hưởng lương từ ngân sách nhà nước căn cứ quy định của pháp luật về chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp xác định thù lao giám định tư pháp thông báo cho cơ quan tiến hành tố tụng.

 (2) Chi phí khấu hao máy móc, phương tiện, thiết bị.

 Tổ chức thực hiện giám định khi thực hiện giám định nếu phải sử dụng máy móc, phương tiện, thiết bị thì chi phí khấu hao máy móc, phương tiện, thiết bị được xác định như sau: Trường hợp máy móc, phương tiện, thiết bị là tài sản cố định, chi phí khấu hao được xác định theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định cho từng loại máy móc, phương tiện, thiết bị của tổ chức thực hiện giám định và thời gian thực tế sử dụng phục vụ cho việc giám định. Trường hợp máy móc, phương tiện, thiết bị không đáp ứng đủ điều kiện xác định là tài sản cố định thì chi phí khấu hao đối với máy móc, phương tiện, thiết bị được xác định theo phương pháp phân bổ dần vào chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh trong kỳ nhưng tối đa không quá 02 năm và không quá thời gian thực tế sử dụng phục vụ cho việc giám định.

  (3) Chi phí vật tư tiêu hao.

 Tổ chức thực hiện giám định; giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc là người không hưởng lương từ ngân sách nhà nước; giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc là người đang hưởng lương từ ngân sách nhà nước (sau đây gọi là tổ chức, cá nhân thực hiện giám định) khi thực hiện giám định nếu có sử dụng vật tư thì được xác định chi phí vật tư tiêu hao. Chi phí vật tư tiêu hao xác định căn cứ vào định mức vật tư tiêu hao và khối lượng công việc giám định phát sinh phù hợp trong từng lĩnh vực giám định.

 Trường hợp chưa có quy định của pháp luật về định mức vật tư tiêu hao, tổ chức, cá nhân thực hiện giám định căn cứ các quy định có liên quan và điều kiện sử dụng vật tư phục vụ giám định để xác định mức vật tư tiêu hao thông báo cho cơ quan tiến hành tố tụng ra quyết định trưng cầu giám định. Tổ chức, cá nhân thực hiện giám định phải chịu trách nhiệm về sự phù hợp của mức vật tư tiêu hao đã thông báo.

 (4) Chi phí sử dụng dịch vụ.

 Chi phí sử dụng dịch vụ được áp dụng trong trường hợp cần thiết phải sử dụng kết quả thực nghiệm, xét nghiệm bổ sung hoặc kết luận chuyên môn do cá nhân, tổ chức khác thực hiện và chi phí sử dụng dịch vụ thuê ngoài khác nhằm phục vụ trực tiếp cho việc thực hiện giám định.

 – Chi phí sử dụng dịch vụ được xác định căn cứ theo thực tế phát sinh của từng trường hợp cụ thể trên cơ sở có đủ hợp đồng (nếu có) và hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật.

 (5) Các chi phí khác.

 – Chi phí khác là những chi phí liên quan và phục vụ trực tiếp cho việc thực hiện giám định tư pháp phù hợp với tính chất, nội dung từng vụ việc trong các lĩnh vực cụ thể.

 – Chi phí khác được xác định căn cứ theo thực tế phát sinh của từng trường hợp cụ thể trên cơ sở có đủ hợp đồng (nếu có) và hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật.

Khó khăn vướng mắc trong giám định tư pháp

 Pháp luật về giám định tư pháp đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế:

 Một là, một số văn bản chưa được ban hành để hướng dẫn Luật giám định tư pháp. Luật giám định tư pháp năm 2012 và pháp luật về tố tụng quy định chưa đầy đủ, cụ thể về căn cứ, cách thức trưng cầu, đánh giá, sử dụng kết luận giám định, dẫn đến tình trạng một số trường hợp lạm dụng giám định, việc đánh giá, sử dụng kết luận giám định nhiều vụ việc còn lúng túng; quy định về thời hạn giám định chưa đầy đủ nên thời gian thực hiện giám định trong các vụ án kinh tế, tham nhũng thường bị kéo dài.

 Hai là, quy định trách nhiệm của cơ quan trưng cầu giám định và cá nhân, cơ quan, tổ chức thực hiện giám định chưa rõ ràng, thiếu chế tài bảo đảm thực hiện… dẫn đến một số trường hợp còn đùn đẩy, chậm trễ thực hiện giám định; việc phối hợp giữa cơ quan trưng cầu với cơ quan thực hiện giám định còn nhiều vướng mắc, chất lượng kết luận giám định trong một số trường hợp chưa đáp ứng yêu cầu.

 Ba là, cơ chế tài chính hiện hành về chi phí giám định tư pháp, nhất là quy trình, thủ tục thanh toán chưa phù hợp với đặc thù hoạt động giám định, gây ách tắc nhiều vụ việc giám định tư pháp.

 Bốn là, hiện nay tổ chức pháp y trong ngành y tế, công an và quân đội, nhất là ở địa phương đều có trung tâm pháp y và giám định viên pháp y làm giám định pháp y tử thi ở phòng kỹ thuật hình sự công an cấp tỉnh nên dẫn đến sự trùng lặp, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ của hai lực lượng này.

 Năm là, phần lớn giám định viên chưa được đào tạo chuyên sâu về nghiệp vụ; các giám định viên kiêm nhiệm có tâm lý e ngại không muốn làm giám định vì trách nhiệm pháp lý cao, trong khi các điều kiện thực hiện giám định chưa bảo đảm.

 Sáu là, về hoạt động giám định: Đa số các cơ quan tố tụng thường tập trung trưng cầu tổ chức giám định công lập, chưa trưng cầu các tổ chức chuyên môn có năng lực ở ngoài khu vực nhà nước; nhiều trường hợp việc giám định kéo dài ảnh hưởng đến thời hạn giải quyết, nhiều vụ án phải tạm đình chỉ để chờ kết quả giám định; một số cơ quan, tổ chức được trưng cầu còn từ chối, đùn đẩy việc tiếp nhận trưng cầu giám định; điều kiện thực hiện giám định ở nhiều lĩnh vực, nhất là trong lĩnh vực giám định không có tổ chức chuyên trách như tài chính, ngân hàng, môi trường, giao thông, khoa học công nghệ… còn hạn chế, chưa thực sự được bảo đảm nên việc giám định bị chậm hoặc gặp nhiều khó khăn, có thể ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng giám định; chất lượng kết luận giám định trong một số trường hợp chưa thực sự bảo đảm, còn chung chung, không rõ ràng những nội dung được yêu cầu, nhất là kết luận giám định trong trường hợp là nguồn chứng cứ quan trọng chứng minh tội phạm và nhiều khi là nguồn chứng cứ duy nhất khiến cơ quan tiến hành tố tụng lúng túng, khó khăn trong giải quyết vụ án; có sự khác nhau giữa các kết luận giám định về cùng một vấn đề được trưng cầu trong một số trường hợp, gây khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng…

  

  

  

  

  

  

 Tag: to xây dựng