Luật hôn nhân và gia đình là gì

Luật hôn nhân và gia đình là gì

 Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam là tổng hợp các quy phạm pháp luật do Nhà nước ban hành nhằm điều chỉnh các quan hệ hôn nhân và gia đình, bao gồm các quan hệ về nhân thân và quan hệ về tài sản giữa vợ và chồng, giữa cha mẹ và con, giữa những thành viên trong gia đình.

Luật hôn nhân và gia đình qua các thời kỳ

 Giai đoạn từ 1945 – 1960

 Cách mạng tháng 8 thành công là điều kiện quan trọng để khẳng định những quyền cơ bản của công dân. Hiến pháp đầu tiên được ban hành ngày 09/11/1946 và sắc lệnh số 97-SL ngày 22/05/1950 đã xóa bỏ được những hủ tục trong hôn nhân, đồng thời công nhận những quyền về dân sự, hôn nhân gia đình của toàn thể công dân Việt Nam.

 Ngày 17/11/1950, Chủ tịch nước đã ban hành sắc lệnh số 159-SL, quy định rõ ràng về căn cứ, thủ tục cùng hậu quả của việc ly hôn cũng như các vấn đề liên quan khác. Đây được xem là tiền đề để hình thành các luật hôn nhân và gia đình của nước ta sau này.

 Giai đoạn 1960 – 1987

 Để hoàn thiện hơn cho hệ thống pháp luật hôn nhân và gia đình thì tại kỳ họp thứ 11 của Quốc hội khoá 1 đã chính thức thông qua Luật hôn nhân và gia đình 1959. Với hệ thống các nguyên tắc được cụ thể hoá trong 6 chương, 35 điều quy định cơ bản về các vấn đề trong quan hệ hôn nhân.

 Sau khi miền Nam được giải phóng và thống nhất đất nước, cơ chế đất nước có những sự thay đổi nhất định. Vì vậy để kịp thời điều chỉnh các quan hệ hôn nhân và gia đình trong một số trường hợp đặc biệt nên ngày 22-02-1978, Toà án nhân dân tối cao đã ban hành Thông tư số 60/TATC và Chỉ thị số 69/TATC ban hành ngày 24-12-1979 nhằm hướng dẫn giải quyết các vấn đề trong hôn nhân.

 Giai đoạn từ 1987 – 2001

 Trên cơ sở kế thừa những nội dung cốt lõi của Luật hôn nhân và gia đình năm 1959, Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986 đã bao quát đầy đủ về các vấn đề hôn nhân gia đình tại nước ta. Văn bản quy phạm này gồm có 10 chương với 57 điều.

 Đặc biệt, trong Luật này đã có Nghị quyết 01/NQ-HĐTP, Nghị định số 12-HĐBT cho phép người nước ngoài nhận con nuôi là trẻ em Việt Nam. Đến ngày 02/12/1993, ban hành theo Pháp lệnh hôn nhân và gia đình giữa công dân Việt Nam với công dân nước ngoài cùng Nghị định hướng dẫn chi tiết Nghị định 83/1998/NĐ-CP ngày 10/10/1998.

 Giai đoạn 2001 – 2015

 Ngày 9-6-2000, Quốc hội ban hành Luật hôn nhân và gia đình 2000 thay thế cho Luật hôn nhân và gia đình 1986 và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01-01-2001. Nhiệm vụ được xác định trong Luật này là nhằm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững.

 Giai đoạn từ 2015 đến nay

 Sau thời gian áp dụng khá lâu và xuất hiện nhiều điểm bất cập. Vì vậy, ngày 19/06/2014, Quốc hội đã thông qua Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thay thế cho tất các văn bản trước đó, có hiệu lực từ ngày 01/01/2015. Hiện tại, văn bản pháp luật này vẫn đang được áp dụng đến tận thời điểm này.

Giáo trình luật hôn nhân và gia đình

 Đây là cuốn giáo trình bao gồm các chủ đề lớn trong luật hôn nhân và gia đình. Nó bao gồm các phần về hôn nhân, ly hôn, bạo lực gia đình và các chủ đề khác.

 Link đọc:

 https://thegioiluat.vn/bai-viet-hoc-thuat/Giao-Trinh-Luat-Hon-Nhan-Va-Gia-Dinh-Viet-Nam-NXB-Cong-An-2009-3379/

Câu hỏi về luật hôn nhân và gia đình

 Để bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình, Nhà nước ta cấm thực hiện những hành vi nào?

 Đáp án:

 Theo quy định tại Điều 5 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, quan hệ hôn nhân và gia đình được xác lập, thực hiện theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình, được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.

 Cấm các hành vi sau đây:

 – Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo;

 – Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;

 – Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;

 – Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;

 – Yêu sách của cải trong kết hôn;

 – Cưỡng ép ly hôn, lừa dối ly hôn, cản trở ly hôn;

 – Thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, mang thai hộ vì mục đích thương mại, lựa chọn giới tính thai nhi, sinh sản vô tính;

 – Bạo lực gia đình;

 – Lợi dụng việc thực hiện quyền về hôn nhân và gia đình để mua bán người, bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục hoặc có hành vi khác nhằm mục đích trục lợi.

 Mọi hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình phải được xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật.

 Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan khác có thẩm quyền áp dụng biện pháp kịp thời ngăn chặn và xử lý người có hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình.

 M sắp tròn 17 tuổi, hiện đang ở nhà phụ giúp bố mẹ làm vườn. Bố mẹ tôi ép tôi kết hôn với anh S vì hai gia đình đã hứa hôn từ khi M và S còn nhỏ. Xin hỏi, điều kiện kết hôn được quy định như thế nào? Theo quy định của pháp luật thì đã đủ tuổi kết hôn chưa? Việc bố mẹ M ép cưới anh S đúng hay sai?

 Đáp án:

 M chưa đủ 17 tuổi, như vậy, M chưa đủ tuổi để kết hôn theo Luật hôn nhân và gia đình năm 2014. Một trong những hành vi bị cấm trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình là cưỡng ép kết hôn, đồng thời một trong những điều kiện kết hôn là việc kết hôn do nam, nữ tự nguyện quyết định. Như vậy, việc bố, mẹ ép M kết hôn là không đúng pháp luật.

 Xử lý việc kết hôn trái pháp luật được quy định như thế nào?

 Đáp án:

 Kết hôn trái pháp luật là việc nam, nữ đã đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng một bên hoặc cả hai bên vi phạm điều kiện kết hôn theo quy định tại Điều 8 của Luật hôn nhân và gia đình.

 Theo Điều 11 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 thì xử lý việc kết hôn trái pháp luật được quy định như sau:

  1. Xử lý việc kết hôn trái pháp luật được Tòa án thực hiện theo quy định tại Luật hôn nhân và gia đình, pháp luật về tố tụng dân sự.
  2. Trong trường hợp tại thời điểm Tòa án giải quyết yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật mà cả hai bên kết hôn đã có đủ các điều kiện kết hôn theo quy định tại Điều 8 của Luật này và hai bên yêu cầu công nhận quan hệ hôn nhân thì Tòa án công nhận quan hệ hôn nhân đó. Trong trường hợp này, quan hệ hôn nhân được xác lập từ thời điểm các bên đủ điều kiện kết hôn.
  3. Quyết định của Tòa án về việc hủy kết hôn trái pháp luật hoặc công nhận quan hệ hôn nhân phải được gửi cho cơ quan đã thực hiện việc đăng ký kết hôn để ghi vào sổ hộ tịch; hai bên kết hôn trái pháp luật; cá nhân, cơ quan, tổ chức liên quan theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

  

  

  

  

  

  

  

  

 Tag: pdf trắc nghiệm ôn tập khái niệm