Tính pháp lý của hợp đồng

 Tính pháp lý là gì

 Tính pháp lý là những khái niệm, định nghĩa về sự vật, hiện tượng có trong hệ quy chiếu pháp luật để giải đáp các quy định, luật lệ của pháp luật. Nếu không có cơ sở pháp lý, mọi vấn đề gây bất hòa và tranh cãi sẽ không bao giờ có hồi kết.

 Tính pháp lý của hợp đồng

 Hợp đồng là một giao dịch dân sự, do đó để hợp đồng có hiệu lực pháp lý thì phải đáp ứng điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự.

 Bộ luật dân sự quy định về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự như sau:

 Điều 122 Bộ luật Dân sự quy định, giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện:

 1. Người tham gia giao dịch có năng lực hành vi dân sự;

 2. Mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội;

 3. Người tham gia giao dịch hoàn toàn tự nguyện.

 Theo Điều 402 Bộ luật Dân sự, tuỳ theo từng loại hợp đồng, các bên có thể thoả thuận về những nội dung sau đây:

 1. Đối tượng của hợp đồng là tài sản phải giao, công việc phải làm hoặc không được làm

 2. Số lượng, chất lượng

 3. Giá, phương thức thanh toán

 4. Thời hạn, địa điểm, phương thức thực hiện hợp đồng

 5. Quyền, nghĩa vụ của các bên

 6. Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng

 7. Phạt vi phạm hợp đồng

 8. Các nội dung khác.

 Một hợp đồng dân sự hoàn chỉnh phải đáp ứng đúng và đủ các điều kiện có hiệu lực của hợp đồng theo quy định của pháp luật, có hình thức và nội dung.

 Điều 401 Bộ luật Dân sự quy định, hợp đồng dân sự có thể được giao kết bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể, khi pháp luật không quy định loại hợp đồng đó phải được giao kết bằng một hình thức nhất định.

 Luật sư Kiều Anh Vũ cho biết: “Việc giao kết hợp đồng bằng lời nói hoặc qua tin nhắn, email vẫn có thể được chấp nhận”.

 Về nội dung

 Hợp đồng dân sự phải đáp ứng điều kiện có hiệu lực của hợp đồng là mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội. Nội dung của hợp đồng là cam kết, thỏa thuận giữa các bên, thể hiện quyền và nghĩa vụ giữa các bên, các chế tài được áp dụng nếu một bên vi phạm hợp đồng.

 “Nếu một bên cam kết thực hiện công việc nhất định cho bên còn lại và nhận tiền nhưng không thực hiện thì có thể đó là hành vi vi phạm nghĩa vụ trong thực hiện hợp đồng dân sự”, luật sư Vũ cho hay.

 Trong trường hợp này, bên bị vi phạm có thể khởi kiện để yêu cầu bên vi phạm thực hiện đúng hợp đồng, bồi thường thiệt hại (nếu có). Nếu nghi ngờ có hành vi lừa đảo, người tham gia hợp đồng dân sự cần căn cứ nhiều yếu tố để xác định. Trong số này có việc người thực hiện hành vi lừa đảo phải bằng “thủ đoạn gian dối” để chiếm đoạt tài sản của người khác và thực hiện trước khi có việc giao tài sản. Mục đích chiếm đoạt tài sản có trước khi thực hiện thủ đoạn gian dối và hành vi chiếm đoạt tài sản.

 Tính pháp lý của hợp đồng điện tử

 Theo quy định tại Điều 34, Luật giao dịch điện tử 2005 tham khảo từ cổng thông tin điện tử chính phủ, hợp đồng điện tử có giá trị như hợp đồng truyền thống. Cụ thể:

 “Giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử không thể bị phủ nhận chỉ vì hợp đồng đó được thể hiện dưới dạng thông điệp dữ liệu”.

 Đồng thời, tại Điều 14 Luật này cũng có quy định

 “Thông điệp dữ liệu không bị phủ nhận giá trị dùng làm chứng cứ chỉ vì đó là một thông điệp dữ liệu. Giá trị chứng cứ của thông điệp dữ liệu được xác định căn cứ vào độ tin cậy của cách thức khởi tạo, lưu trữ hoặc truyền gửi thông điệp dữ liệu; cách thức bảo đảm và duy trì tính toàn vẹn của thông điệp dữ liệu; cách thức xác định người khởi tạo và các yếu tố phù hợp khác.”

 Dù được thể hiện dưới dạng dữ liệu điện tử nhưng tính pháp lý của hợp đồng điện tử vẫn được thừa nhận theo quy định pháp luật và được sử dụng làm chứng cứ khi một trong hai bên tham gia không thực hiện đúng những điều khoản thỏa thuận. Bên cạnh đó, hợp đồng điện tử phải thỏa mãn những điều kiện sau đây thì mới được coi là hợp lệ:

  1. Nội dung phải được giữ trọn vẹn và không có thông tin thay đổi, ngoại trừ trường hợp thay đổi những hình thức phát sinh trong quá trình gửi, lưu trữ dữ liệu của hợp đồng.
  2. Nội dung có thể mở được, đọc hoặc xem được bằng các phương pháp mã hóa hợp pháp mà hai bên tham gia hợp đồng thỏa thuận.

 Tính pháp lý của giấy ủy quyền

 Giấy ủy quyền cần đảm bảo các nội dung ủy quyền không được trái với các nguyên tắc cơ bản được ghi nhận tại Điều 3 Bộ luật Dân sự 2015:

 Bình đẳng, không được lấy bất kỳ lý do nào để phân biệt đối xử;

 – Tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận;

 – Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội;

  Xác lập, thực hiện, chấm dứt ủy quyền một cách thiện chí, trung thực;

 – Không xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác;

 – Các bên phải tự chịu trách nhiệm về việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ của mình