Hợp đồng có giá trị pháp lý khi nào

 Giá trị pháp lý là gì

 Giá trị pháp lý là sự hữu ích của tài liệu văn bản, nó đóng vai trò như một bằng chứng pháp lý về thẩm quyền, nghĩa vụ có thể thi hành hoặc làm cơ sở cho hành động pháp lý.

 Hợp đồng có giá trị pháp lý khi nào

 Khi ký kết hợp đồng thương mại hoặc hợp đồng dân sự quyền tự do thỏa thuận thời điểm phát sinh hiệu lực của hợp đồng đã ký được pháp luật bảo vệ. Đây là quyền tự do hợp đồng được phát triển từ quyền tự do kinh doanh được hiến pháp ghi nhận.

  Quy định pháp luật hiện hành về thời điểm có hiệu lực của hợp đồng ghi nhận tại Bộ luật dân sự 2015 như sau:

 “Điều 401. Hiệu lực của hợp đồng

 1. Hợp đồng được giao kết hợp pháp có hiệu lực từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật liên quan có quy định khác.”

 Quy định này đã nêu rõ:

 + Hợp đồng có hiệu lực theo thời điểm mà các bên thỏa thuận trong đó bao gồm cả thỏa thuận hiệu lực hợp đồng trước thời điểm ký kết hợp đồng ví dụ: Hợp đồng ký ngày 15/03/2020 nhưng trong hợp đồng các bên thỏa thuận hợp đồng có hiệu lực từ 01/01/2020.

 + Trường hợp các bên không thỏa thuận riêng về thời điểm có hiệu lực của hợp đồng, pháp luật liên quan không quy định về thời điểm có hiệu lực của hợp đồng thì hợp đồng có hiệu lực kể từ ngày ký.

 Các điều kiện để hợp đồng có hiệu lực pháp lý

 Việc xác định hợp đồng có hiệu lực hay hợp đồng vô hiệu rất quan trọng trong việc ràng buộc các bên thực hiện đúng nghĩa vụ theo thỏa thuận hợp đồng, hoặc xác định các nghĩa vụ bị vi phạm khi giải quyết tranh chấp hợp đồng. Bởi hợp đồng vô hiệu sẽ không làm phát sinh nghĩa vụ phải thực hiện theo thỏa thuận hợp đồng đối với các bên. Theo luật sư các bên giao kết hợp đồng cần lưu ý những điều kiện sau để đảm bảo hợp đồng có hiệu lực

 Thứ nhất, chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với hợp đồng được xác lập. Việc xác định năng lực pháp luật dân sự của chủ thể hợp đồng là pháp nhân khá khó nhưng một số trường hợp dễ nhận biết thì Quý vị không thể không biết ví dụ: Văn phòng đại diện công ty không được quyền đại diện công ty ký kết hợp đồng với mục đích thực hiện chức năng kinh doanh của công ty.

 Về thực tế luật sư thấy rằng khi có tranh chấp liên quan đến năng lực dân sự, năng lực hành vi của pháp nhân ký kết hợp đồng thường phát sinh chủ yếu từ việc công ty ủy quyền cho chi nhánh đại diện giao kết hợp đồng. Nên khi Quý vị ở vào tình huống tương tự thì nên cẩn trọng trong việc xác định thẩm quyền đại diện của chi nhánh công ty. Bởi quy định pháp luật về đại diện tại luật thương mại năm 2005 và Bộ luật dân sự 2015 không hoàn toàn giống nhau.

 Thứ hai, chủ thể tham gia hợp đồng hoàn toàn tự nguyện.

 Thứ ba, mục đích và nội dung của hợp đồng không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội: Quy định này là điều khoản thường được các bên áp dụng để tuyên bố hợp đồng vô hiệu trong việc giải quyết tranh chấp trong đó bao gồm cả tuyên bố vô hiệu hợp đồng đã được công chứng.

  Thứ tư, hợp đồng phải đảm bảo quy định về hình thức theo quy định pháp luật.Hợp đồng không đảm bảo về mặt hình thức thì khi xem xét hợp đồng vô hiệu cơ quan tài phán vẫn phải căn cứ nội dung đã được các bên thực hiện theo thỏa thuận hợp đồng đến thời điểm tuyên bố hợp đồng vô hiệu.

 Một số câu hỏi liên quan đến hợp đồng

 Theo Luật Công chứng 2014 thì giá trị pháp lý của văn bản công chứng được quy định như sau:

 “Điều 5. Giá trị pháp lý của văn bản công chứng

 1. Văn bản công chứng có hiệu lực kể từ ngày được công chứng viên ký và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng.

 2. Hợp đồng, giao dịch được công chứng có hiệu lực thi hành đối với các bên liên quan; trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ của mình thì bên kia có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp các bên tham gia hợp đồng, giao dịch có thỏa thuận khác.

 3. Hợp đồng, giao dịch được công chứng có giá trị chứng cứ; những tình tiết, sự kiện trong hợp đồng, giao dịch được công chứng không phải chứng minh, trừ trường hợp bị Tòa án tuyên bố là vô hiệu.

 4. Bản dịch được công chứng có giá trị sử dụng như giấy tờ, văn bản được dịch”

 Như vậy, văn bản công chứng có hiệu lực thi hành đối với các bên liên quan trong hợp đồng, giao dịch. Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ của mình thì bên kia có quyền yêu cầu Toà án giải quyết theo quy định của pháp luật, trừ khi các bên tham gia hợp đồng, giao dịch có thoả thuận khác. Văn bản công chứng còn có giá trị chứng cứ; những tình tiết, sự kiện trong văn bản công chứng không phải chứng minh, trừ trường hợp bị Toà án tuyên bố là vô hiệu.

 Các văn bản công chứng có giá trị xác thực, giá trị pháp lý và độ tin cậy hơn hẳn các loại giấy tờ không có chứng nhận xác thực hoặc chỉ trình bày bằng miệng. Các văn bản công chứng bảo đảm sự an toàn của các giao dịch, tạo nên sự tin tưởng của khách hàng, hạn chế mức thấp nhất các tranh chấp xảy ra. Về phương diện Nhà nước cũng đảm bảo trật tự, kỷ cương, ổn định trong việc quản lý các giao dịch; từ đó cũng góp phần làm giảm đáng kể việc giải quyết tranh chấp luôn là gánh nặng của các cơ quan chức năng và giúp các cơ quan chức năng quản lý tốt hơn các hoạt động giao dịch.

 Giấy viết tay có giá trị pháp lý không / Giấy nợ viết tay có giá trị pháp lý không

 Về hình thức của hợp đồng vay tài sản, pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về hình thức của loại hợp đồng này, tuy nhiên, hợp đồng vay tài sản và giấy mượn tiền viết tay cũng là một hình thức giao dịch dân sự được pháp luật thừa nhận. Do đó, căn cứ theo Điều 119 Bộ luật dân sự 2015 thì hợp đồng vay tài sản có thể được giao kết bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.

 Hợp đồng vay tài sản được coi là hợp pháp khi đáp ứng đầy đủ các quy định về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự được quy định tại Điều 117 Bộ luật dân sự 2015 bao gồm:

  • Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập:
  • Cá nhân có thể tham gia xác lập, thực hiện hợp đồng vay tài sản là người từ đủ 18 tuổi trở lên, không bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, không bị mất năng lực hành vi dân sự.
  • Ngoài ra, theo quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 21 Bộ luật dân sự 2015 thì Người từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi.
  • Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi có tài sản riêng bảo đảm thực hiện nghĩa vụ cũng có thể tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.
  • Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện.
  • Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
  • Đáp ứng các điều kiện về hình thức của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định.

 Như vậy, giấy nợ viết tay được coi là một giao dịch dân sự và nó có hiệu lực pháp lý khi đáp ứng điều kiện có hiệu lực pháp lý của giao dịch dân sự theo quy định nêu trên.

 Hợp đồng miệng có giá trị pháp lý không

 Như trên đã phân tích, hợp đồng có thể được giao kết bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi. Trừ những trường hợp mà pháp luật có quy định hợp đồng bắt buộc phải được lập dưới dạng văn bản thì hợp đồng phải đáp ứng điều kiện về hình thức bằng văn bản mới có hiệu lực. Trường hợp pháp luật không có quy định thì hợp đồng miệng có giá trị pháp lý khi nó đáp ứng điều kiện để giao dịch dân sự có hiệu lực pháp luật.

 Hợp đồng điện tử có giá trị pháp lý không / Hợp đồng scan có giá trị pháp lý không

  Hiện nay, các bên trong giao dịch có thể ký các hợp đồng bằng chữ ký điện tử theo 3 cách thức phổ biến là: chữ ký scan, chữ ký hình ảnh và chữ ký số. Quy trình ký kết hợp đồng bằng các loại chữ ký điện tử này thông thường được thực hiện như sau:

 – Chữ ký số: (i) các bên sử dụng một nền tảng và thiết bị chuyên dụng do công ty cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số cung cấp để tạo chữ ký số; (ii) chữ ký số được tạo ra sau đó được chèn dưới dạng điện tử vào hợp đồng cần ký. Chữ ký số ít được sử dụng trong giao kết hợp đồng có giá trị lớn và phức tạp mà chủ yếu được sử dụng khi tổ chức nộp tờ khai hải quan, bảo hiểm xã hội, nộp thuế qua mạng, phát hành hóa đơn điện tử và tổ chức, cá nhân thực hiện giao dịch điện tử qua hệ thống ngân hàng.

 – Chữ ký scan:(i) hợp đồng được người ký in ra từ tệp dữ liệu điện tử và người ký của mỗi bên ký trực tiếp trên văn bản giấy của hợp đồng bằng chữ ký sống; và (ii) hợp đồng cùng với chữ ký trên hợp đồng sẽ được chuyển thành dạng điện tử (ví dụ: bằng cách quét hình (scanning) và bản quét hình (tệp dữ liệu điện tử) của hợp đồng đã ký, sau đó được gửi đi bằng thư điện tử. Chữ ký scan được sử dụng nhiều trong hợp đồng có nhiều bên và các bên không ở cùng một địa điểm để có thể cùng ký trên một bản của hợp đồng. Chữ ký scan đặc biệt thông dụng trong các hợp đồng liên quan đến giao dịch đa quốc gia và có yếu tố nước ngoài về mặt chủ thể.

 – Chữ ký hình ảnh: (i) người ký chèn hình ảnh chữ ký của người ký vào ô chữ ký của tệp dữ liệu điện tử của hợp đồng; và (ii) tệp dữ liệu điện tử của hợp đồng (có chữ ký bằng chữ ký hình ảnh trên hợp đồng điện tử đó) được gửi đi bằng thư điện tử. Chữ ký hình ảnh được sử dụng nhiều trong hợp đồng có giá trị không lớn nhưng được ký nhiều lần và lặp đi lặp lại, đồng thời người ký không ở cùng một địa điểm mà hợp đồng có thể in và ký bằng chữ ký sống.

 BLDS 2015 cho phép các hình thức giao kết hợp đồng khác nhau. Cụ thể, hợp đồng có thể được giao kết bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.[9] Trên thực tế, lời nói hoặc hành vi cụ thể là các hình thức giao kết hợp đồng phổ biến nhất trong các giao dịch dân sự thường gặp trong đời sống hàng ngày. Ví dụ, người dân mua hàng trong siêu thị và trả tiền cho món hàng đó hoặc sử dụng các dịch vụ vận chuyển hành khách, hàng hóa (như đi xe buýt, máy bay) và thanh toán giá vé, cước phí vận chuyển cho hành khách và hàng hóa.[10] Các giao dịch này không cần phải được lập thành văn bản (nên không đặt ra vấn đề về chữ ký) và hóa đơn mua hàng, vé, vận đơn hoặc chứng từ vận chuyển khác chính là bằng chứng giao kết hợp đồng giữa các bên. Điều quan trọng là hợp đồng thể hiện sự thỏa thuận của các bên, còn hình thức của sự thỏa thuận không nhất thiết phải bằng văn bản.

 Hợp đồng chỉ có thể bị tuyên vô hiệu do vi phạm quy định điều kiện có hiệu lực về hình thức nếu luật có quy định. Theo quy định của luật hiện hành, một số loại hợp đồng phải được lập thành văn bản (hợp đồng chuyển nhượng bất động sản, hợp đồng xây dựng, v.v..).  Trong trường hợp này, yêu cầu bổ sung về công chứng, chứng thực hoặc đăng ký cũng có thể được áp dụng (các hợp đồng về chuyển nhượng bất động sản phải được lập thành văn bản, được ký và công chứng). Trong trường hợp luật không quy định hợp đồng phải được lập thành văn bản, các bên có thể viện dẫn các thảo luận bằng lời nói hoặc bằng hành vi cụ thể để thể hiện sự thống nhất về ý chí, thông qua đó tạo thành hợp đồng có tính ràng buộc pháp lý.

 Liên quan đến hình thức giao kết hợp đồng bằng văn bản, khoản 4 Điều 400 BLDS 2015 quy định: “Thời điểm giao kết hợp đồng bằng văn bản là thời điểm bên sau cùng ký vào văn bản hay bằng hình thức chấp nhận khác được thể hiện trên văn bản.” Như vậy, BLDS 2015 không yêu cầu chữ ký phải là chữ ký sống hay cấm việc sử dụng chữ ký điện tử. BLDS 2015 cũng công nhận “hình thức chấp nhận khác được thể hiện trên văn bản” và công nhận giao dịch thông qua phương tiện điện tử.[11] Trên thực tế, chúng ta cũng có thể gặp các trường hợp giao kết hợp đồng bằng văn bản mà không cần phải có chữ ký sống của bất kỳ bên nào. Ví dụ, khi tổ chức, cá nhân đăng ký sử dụng các dịch vụ trực tuyến (như các dịch vụ ngân hàng điện tử, các trang thương mại điện tử hoặc các dịch vụ cung cấp nội dung trực tuyến). Để được cung cấp dịch vụ, ngay ở bước đầu tiên của quá trình đăng ký dịch vụ, người sử dụng dịch vụ phải chấp nhận các điều khoản và điều kiện của bên cung cấp dịch vụ xuất hiện trên màn hình của thiết bị điện tử bằng cách đánh dấu vào ô “Đồng ý” ở phần cuối cùng của bảng điều khoản và điều kiện. Các điều khoản và điều kiện này, khi được chấp nhận, sẽ trở thành một phần trong hợp đồng giữa người sử dụng dịch vụ và bên cung cấp dịch vụ và hợp đồng này không có chữ ký sống của bất kỳ bên nào. Một ví dụ khác cũng thường gặp là khi các cá nhân không biết chữ có thể dùng vân tay để điểm chỉ vào hợp đồng. Khi được điểm chỉ, hợp đồng cũng tạo lập nghĩa vụ ràng buộc các bên mà không có chữ ký sống của bất kỳ bên nào.

 Như vậy, nếu một cá nhân không thể ký sống được thì người đó có thể dùng một hình thức chấp nhận khác để thể hiện ý chí chấp thuận toàn bộ nội dung thỏa thuận được thể hiện trên văn bản hợp đồng, như đánh dấu vào ô “Đồng ý” trên màn hình của thiết bị điện tử và điểm chỉ bằng vân tay. Cũng như việc đánh dấu vào ô “Đồng ý” và điểm chỉ bằng vân tay, chữ ký scan và chữ ký hình ảnh có thể được coi là hình thức ký hoặc một hình thức chấp nhận khác. Ở đây, điều quan trọng là hình thức chấp nhận được thể hiện bằng các dấu hiệu riêng biệt trên văn bản giúp xác nhận người ký và chứng tỏ sự chấp thuận của người ký. Đây cũng là tinh thần của Luật GDĐT 2005 trong quy định về định nghĩa chữ ký điện tử và giá trị pháp lý của chữ ký điện tử.

 Hình thức chấp thuận của người ký cũng đặt ra một câu hỏi phái sinh liên quan đến thẩm quyền của người ký. Nói cách khác, nếu một bên có thể có các bằng chứng chứng minh rằng, các chữ ký scan và chữ ký hình ảnh thể hiện sự chấp thuận của người ký và người ký có thẩm quyền, chữ ký scan và chữ ký hình ảnh hoàn toàn có thể có giá trị như một chữ ký. Liên quan đến cách tiếp cận này, BLDS 2015 đã công nhận việc các bên xác lập “quyền đại diện bề ngoài”. “Quyền đại diện bề ngoài” được xác lập khi một bên có hành động làm cho bên kia tin tưởng một cách hợp lý rằng, bên đại diện có quyền đại diện (hoặc ở một khía cạnh khác, làm cho bên kia không biết hoặc không thể biết là bên đại diện không có quyền đại diện hoặc vượt quá phạm vi đại diện). Theo đó, BLDS 2015 chấp nhận “quyền đại diện bề ngoài” khi: (i) một bên đã công nhận giao dịch; (ii) một bên biết mà không phản đối trong một thời hạn hợp lý; hoặc (iii) một bên có lỗi dẫn đến việc người đã giao dịch không biết hoặc không thể biết về việc người đã xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với mình không có quyền đại diện hoặc vượt quá phạm vi đại diện.[12]

 Nói tóm lại, quy định của BLDS năm 2015 tạo cơ sở pháp lý cho việc sử dụng chữ ký scan và chữ ký hình ảnh cho hợp đồng lập bằng văn bản. Quá trình giao dịch của các bên cũng có thể giúp xác lập thẩm quyền bề ngoài khi thẩm quyền của người ký không rõ ràng. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là các án lệ và bản án của Tòa án nhân dân tối cao đưa ra trong thời gian gần đây cho thấy tòa án ngày càng xem xét bản chất của sự chấp thuận hơn là hình thức của sự chấp thuận và điều này giúp hạn chế rủi ro hợp đồng bị vô hiệu khi có vấn đề liên quan đến hình thức thỏa thuận (trong đó có vấn đề về chữ ký).

 Bản photo có giá trị pháp lý không

  • Bản sao được cấp từ sổ gốc có giá trị sử dụng thay cho bản chính trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
  • Bản sao được chứng thực từ bản chính theo quy định tại Nghị định này có giá trị sử dụng thay cho bản chính đã dùng để đối chiếu chứng thực trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
  • Chữ ký được chứng thực theo quy định tại Nghị định này có giá trị chứng minh người yêu cầu chứng thực đã ký chữ ký đó, là căn cứ để xác định trách nhiệm của người ký về nội dung của giấy tờ, văn bản.
  • Hợp đồng, giao dịch được chứng thực theo quy định của Nghị định này có giá trị chứng cứ chứng minh về thời gian, địa điểm các bên đã ký kết hợp đồng, giao dịch; năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện, chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch.

 Theo đó, bản sao được chứng thực từ bản chính có giá trị sử dụng thay cho bản chính đã dùng để đối chiếu chứng thực trong các giao dịch. Do vậy, bản photo từ bản sao chứng thực sẽ vẫn có thể sử dụng trong một số giao dịch không yêu cầu xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tuy nhiên, nó sẽ không có giá trị như bản chính và trong một số trường hợp sẽ không được sử dụng trong các giao dịch.

 

  

 tag: mẫu biên cam đất khái niệm