Mối quan hệ giữa pháp luật và đạo đức

Sự khác nhau giữa đạo đức và pháp luật – So sánh pháp luật và đạo đức

 * Giống nhau: Đều là hệ thống các quy tắc xử sự chung, chuẩn mực xã hội; giúp con người tự giác đièu chỉnh hành vi sao cho phù hợp với lợi ích cộng đồng, xã hội.

 * Khác nhau:

 – Đạo đức:

 + Cơ sở hình thành: Từ thực tế cuộc sống, nhận thức của con người qua các thế hệ.

 + Tính chất: Không bắt buộc, tự nguyện.

 + Hình thức thể hiện: Qua các câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ.

 + Phương thức bảo đảm thực hiện: Dựa vào sự tự giác, thông qua sự đánh giá khách quan của dư luận.

 – Pháp luật:

 + Cơ sở hình thành: Do Nhà nước ban hành.

 + Tính chất: Bắt buộc.

 + Hình thức thể hiện: Qua các văn bản pháp luật.

 + Phương thức bảo đảm thực hiện: Giáo dục, thuyết phục, cưỡng chế.

Ví dụ về đạo đức và pháp luật

 – Đạo đức

 + Con cái cãi lời bố mẹ.

 + Nhìn thấy người khác gặp nạn mà không giúp đỡ.

 – Pháp luật

 + Sử dụng ma túy

 + Đánh người khác.

Mối quan hệ giữa pháp luật và đạo đức

 Mối quan hệ này trước hết là tương quan giữa pháp luật và đạo đức trong từng thời kỳ khác nhau. Không phải bất cứ lúc nào sự tương quan giữa pháp luật và đạo đức cũng giống nhau mà ở mỗi thời kỳ tùy thuộc tình hình xã hội lúc bấy giờ tương quan giữa chúng có sự thay đổi. Có thể nêu ví dụ ngay ở xã hội Việt Nam qua các thời kỳ. Trong xã hội phong kiến, do tư duy của con người lúc này chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi tư tưởng Nho giáo, do vậy các quan hệ xã hội lúc bấy giờ vẫn do đạo đức và chiếm ưu thế hơn so với pháp luật. Mặc dù trong xã hội phong kiến vẫn có những quy phạm pháp luật nhưng suy cho cùng nó vẫn chủ yếu dựa vào các quy phạm đạo đức của xã hội, những tư tưởng về đạo đức được luật hóa rất nhiều và đạo đức hầu như ngự trị trong luật pháp.

 Bước sang thời kỳ chiến tranh, pháp luật cũng được bổ sung và điều chỉnh nhiều mối quan hệ xã hội hơn, phát triển hơn so với thời kỳ phong kiến. Tuy nhiên, vì hoàn cảnh chiến tranh có nhiều vấn đề phát sinh trong thời chiến không thể dùng pháp luật để áp đặt được nên quy phạm đạo đức vẫn chiếm ưu thế hơn. Sang thời bao cấp, do tư duy và đường lối chính sách chưa phù hợp nên pháp luật vẫn chưa có sự phát triển cao. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, đời sống đạo đức và pháp luật có những chuyển biến thể hiện khát vọng và nhu cầu tự do của con người. Hiện nay, khi chúng ta đang xây dựng nền kinh tế thị trường, vấn đề giải quyết mối tương quan giữa pháp luật và đạo đức được đặt ra là hết sức cần thiết. Bởi vì, đạo đức tuy là vấn đề mang tính trìu tượng nhưng việc đưa đạo đức vào thực thi và áp dụng pháp luật sẽ làm quy định của pháp luật mang tính thực tiễn cao, thể hiện được tinh thần nhân đạo và phù hợp với ý chí của nhân dân.

 Xét về bản chất, giữa pháp luật và đạo đức có những đặc điểm thống nhất với nhau song cũng có những đặc điểm khác biệt. Sự thống nhất giữa pháp luật và đạo đức thể hiện ở chỗ: đạo đức và pháp luật đều có chung mục đích trong quản lý đời sống xã hội nhằm giáo dục nhân cách, phẩm chất đạo đức cho con người trong xã hội. Pháp luật và đạo đức đều là công cụ để đảm bảo lợi ích của con người, có tác dụng điều chỉnh quan hệ xã hội, giáo dục con người hướng đến việc thiết lập những mối quan hệ tốt đẹp trong xã hội. Pháp luật và đạo đức có mối quan hệ hữu cơ, bổ sung, hỗ trợ cho nhau tạo nên sự điều chỉnh mạnh mẽ nhất đối với hành vi của con người. Pháp luật và đạo đức tác động trực tiếp đến hành vi của con người, hướng dẫn, kiếm tra, đánh giá các hành vi đó theo những tiêu chí nhất định. Ngoài ra, các phạm trù đạo đức như: nghĩa vụ đạo đức, lương tâm, nhân đạo, công bằng,… cũng có ý nghĩa quan trọng trong hoạt động xây dựng và áp dụng pháp luật của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Chẳng hạn như trong quy định pháp luật về phẩm chất của cán bộ trong ngành Tư pháp luôn nêu lên nguyên tắc: thực hiện nhiệm vụ theo đúng pháp luật và phải có phẩm chất đạo đức tốt. Pháp luật và đạo đức cũng là tiêu chuẩn đánh giá hành vi của con người. Ví dụ việc những người vi phạm pháp luật có hành vi tự thú khi chưa bị phát hiện về hành vi vi phạm pháp luật đó luôn được sự khoan hồng từ phía Nhà nước và được sự đánh giá cao của pháp luật và đạo đức. Trong Bộ luật Hình sự có quy định về tình tiết giảm nhẹ, có thể miễn trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp cũng đã thể hiện sự nhân đạo, khoan hồng của Nhà nước ta nhằm tạo cơ hội cho những người có hành vi vi phạm pháp luật có cơ hội để hoàn lương. Như vậy, việc đưa quan niệm đạo đức vào quy định pháp luật có tác dụng rất to lớn trong việc giáo dục nhân cách, phẩm chất của con người, đồng thời điều này cũng thể hiện tinh thần nhân đạo của Nhà nước.

 Bên cạnh sự thống nhất đó, giữa pháp luật và đạo đức có những đặc điểm khác biệt. Pháp luật về hệ thống quy tắc được thể hiện bằng các đạo luật, sắc lệnh, nghị định,… được xây dựng trên cơ sở đời sống xã hội nhằm định hướng và điều chỉnh hành vi của mọi thành viên trong xã hội. Đằng sau hệ thống pháp luật là cả bộ máy nhà nước với những cơ quan đặc biệt khác để đảm bảo thực thi pháp luật. Sự phát triển của lịch sử loài người cho thấy, pháp luật chỉ ra đời khi trong xã hội có sự xuất hiện của chế độ tư hữu và giai cấp. Trong khi đó, đời sống đạo đức của xã hội lại được bắt đầu ngay khi loài người bước vào lịch sử của mình và ban đầu nó được thể hiện thông qua tập quán, phong tục. Như vậy, có thể thấy rằng, pháp luật hình thành dựa trên sự ra đời của giai cấp mang tính tự giác để điều chỉnh quan hệ xã hội và thực hiện sự thống trị của giai cấp đó đối với xã hội, còn đạo đức hình thành trên con đường tự phát trong xã hội và không được thể hiện thông qua bất cứ văn bản nào mà chủ yếu dựa vào sự tác động đến ý thức của người dân.

 Trong khi pháp luật do Nhà nước ban hành và được đảm bảo thực hiện bằng những biện pháp cưỡng chế có khi rất nghiêm khắc như hình phạt tù, tử hình,… thì đạo đức lại được đảm bảo thực hiện bằng những biện pháp mang tính xã hội và thường ít nghiêm khắc hơn. Mặc dù đạo đức không có bất kỳ biện pháp đảm bảo thực hiện nào từ phía Nhà nước và ít nghiêm khắc hơn nhưng hiệu quả của đạo đức trong việc điều chỉnh hành vi của con người không hề kém hơn pháp luật vì đạo đức tác động hành vi của con người qua dư luận xã hội và nó có sức mạnh to lớn trong việc tác động đến ý thức và hành vi của con người. Việc truy cứu trách nhiệm pháp lý còn có thời hiệu nhưng sự lên án, xử lý của đạo đức, của dư luận xã hội và của chính lương tâm con người thì không phụ thuộc vào thời hiệu nào cả, trái lại rất triền miên, day dứt, thậm chí suốt cả cuộc đời người vi phạm.

 Cũng dễ dàng nhận thấy rằng, các quy phạm pháp luật thường mang tính chính xác, thống nhất, quy định chặt chẽ hơn so với đạo đức vì pháp luật do Nhà nước ban hành và đảm bảo thực hiện. Trong khi đó, đạo đức thường là những quy phạm mang tính chung chung và không thống nhất. Một đặc điểm khác biệt cũng không kém phần quan trọng giữa pháp luật và đạo đức đó là phạm vi điều chỉnh. Xét ở khía cạnh này có thể nhận xét, đạo đức có phạm vi điều chỉnh rộng hơn so với pháp luật, vì trên thực tế có những quan hệ xã hội pháp luật không thể điều chỉnh hết được, đặc biệt đối với những quan hệ xã hội trong lĩnh vực tình bạn, tình yêu, sự giúp đỡ lẫn nhau trong đời sống hằng ngày,… Ví dụ: trong Luật Hôn nhân gia đình, những vấn đề thuộc về tình cảm, đạo đức sẽ điều chỉnh cụ thể và sâu sắc hơn so với pháp luật.

 Như vậy, có thể nói rằng, pháp luật chỉ có thể thực hiện được vai trò là phương tiện hàng đầu trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội khi có sự bổ sung hỗ trợ của các quy phạm xã hội khác. Pháp luật không thể và cũng không cần thiết phải điều chỉnh hết các quan hệ xã hội, vì thế không nên coi pháp luật là công cụ vạn năng và do đó cũng không nên thể chế hóa mọi quan hệ xã hội thành pháp luật. Mỗi một loại quy phạm xã hội có những ưu thế và hạn chế của mình, hạn chế của pháp luật như đã nói ở trên là khó tác động đến các quan hệ tư tưởng và quan hệ tình cảm, còn hạn chế của đạo đức là chỉ có thể điều chỉnh những quy phạm xã hội trực tiếp thể hiện tính chất hành vi của con người, những hành vi có thể đánh giá được từ phương diện đạo đức. Do đó, những hành vi không thể đánh giá theo tiêu chí đạo đức, về cơ bản không thuộc lĩnh vực điều chỉnh của đạo đức. Trong hệ thống pháp luật thường có những quy phạm pháp lý – kỹ thuật hay những quy phạm về trình tự pháp lý, trình tự xác lập các văn bản pháp lý đều không liên quan trực tiếp đến đạo đức.

 Đưa ra những phân tích như trên để rút ra nhận xét, khi nghiên cứu về mối quan hệ giữa pháp luật và đạo đức không nên mô tả sự khác nhau giữa chúng một cách cứng nhắc. Bởi lẽ, pháp luật và đạo đức không thể tách rời nhau mà giữa chúng có mối quan hệ biện chứng lẫn nhau. Pháp luật tác động đến đạo đức và ngược lại.

 Pháp luật tác động đến đạo đức để đưa quan niệm đạo đức tiến bộ vào thực tế đời sống pháp luật. Pháp luật khẳng định, bảo vệ và phát huy những nguyên tắc, chuẩn mực của truyền thống đạo đức, đồng thời cũng hạn chế và loại bỏ dần những quan điểm, chuẩn mực đạo đức không tiến bộ, tiêu cực. Pháp luật không chỉ ghi nhận đạo đức mà còn là phương tiện đảm bảo cho đạo đức thực hiện trong cuộc sống thông qua các biện pháp tác động của Nhà nước. Ví dụ: Điểm c khoản 1 Điều 117 Bộ luật Dân sự 2015 nước Việt Nam quy định: “Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội”. Điều cấm của pháp luật là những quy định của pháp luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định. Đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung giữa người với người trong đời sống xã hội được mọi người thừa nhận và tôn trọng. Quy định này đòi hỏi người xác lập giao dịch dân sự không chỉ tuân thủ quy định pháp luật mà còn phải cân nhắc đến những quy tắc đạo đức. Như vậy, pháp luật sẽ là yếu tố đảm bảo cho hành vi của con người phù hợp với đạo đức hơn.

 Sự tác động trở lại của đạo đức đối với pháp luật thể hiện: đạo đức là cơ sở, môi trường thuận lợi để tiếp thu, cảm nhận và thực hiện pháp luật. Đạo đức là yếu tố không thể thiếu được trong mỗi con người. Nếu thiếu đi vai trò tác động của đạo đức đến hành vi, tư tưởng của con người thì việc đưa ra những quy định pháp luật cũng như áp dụng pháp luật của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ lệch lạc và dễ dẫn đến tiêu cực. Do đó, quy phạm đạo đức có vai trò làm định hướng cho nhà làm luật trong việc xác định tội phạm hóa hay phi tội phạm hóa.

 Tất nhiên, sự tác động của đạo đức đối với pháp luật chỉ mang tính tương đối, điều này có nghĩa chỉ những quan điểm đạo đức tiến bộ phù hợp mới đưa vào pháp luật, còn những quan điểm đạo đức lạc hậu, lỗi thời, tiêu cực phải dần bị loại bỏ. Vì thực tế cho thấy, pháp luật ban hành dựa trên xã hội có giai cấp cũng dễ dàng thay đổi khi có giai cấp khác thống trị và thay thế bằng hệ thống pháp luật mới. Khi nhà nước của giai cấp thống trị mới được xác lập và còn chưa đủ điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa cần thiết để xóa bỏ triệt để cơ sở của nền đạo đức cũ thì những tàn dư của nó vẫn tiếp tục tồn tại dai dẳng trong xã hội mới. Do đó, nếu xét về sự tác động đối với xã hội thì đạo đức có sự tác động bền lâu hơn so với pháp luật, vì những quan niệm về đạo đức tác động trực tiếp đến ý thức và tư tưởng của nhân dân nên việc thay đổi sẽ rất khó và cần thời gian dài. Chính vì lẽ đó nên thông thường các quy phạm pháp luật bao giờ cũng hiện đại và dễ thích ứng với điều kiện xã hội mới hơn so với đạo đức vì vậy đạo đức thường lạc hậu và chậm thay đổi hơn.

Pháp luật là đạo đức tối thiểu

 Đạo đức và pháp luật đều là những nguyên tắc, những chuẩn mực hành vi con người trong quan hệ giữa người với người, giữa cá nhân và xã hội. Song, nếu pháp luật là những yêu cầu tối thiểu thì đạo đức là những yêu cầu tối đa về việc thực hiện những quan hệ này….

 Nguồn: https://tapchicongthuong.vn/

  

  

  

  

  

  

  

 Tag: nghề chuyện huống lấy trộm tiền báo