Nghĩa vụ pháp lý là gì

 Nghĩa vụ pháp lý là gì

 Khái niệm: Nghĩa vụ pháp lý của con người là cách xử sự (việc, công việc, hành vi) do pháp luật quy định mà con người buộc phải thực hiện (phải làm hoặc không được làm), nhằm đem lại trật tự cho xã hội và nguồn lực cho quốc gia.

 So sánh nghĩa vụ đạo đức và nghĩa vụ pháp lý

 Đạo đức hay chuẩn mực đạo đức là hệ thống các quy tắc, yêu cầu đối với hành vi xã hội của con người, trong đó xác lập những quan điểm, quan niệm chung về công bằng và bất công, về cái thiện và cái ác, về lương tâm, danh dự, trách nhiệm và những phạm trù khác thuộc đời sống đạo đức tinh thần của xã hội.

 Đạo đức ra đời và tồn tại trong tất cả các giai đoạn phát triển của lịch sử. Đạo đức được hình thành một cách tự phát trong xã hội, được lưu truyền từ đời này sang đời khác theo phương thức truyền miệng. Đạo đức thể hiện ý chỉ của một cộng đồng dân cư, ý chí chung của xã hội và đảm bảo thực hiện bằng thói quen, bằng dư luận xã hội, bằng lương tâm, niềm tin của mỗi người.

 Đạo đức có nguồn gốc giá trị lâu dài, khi con người có ý thức thì sẽ tự điều chỉnh hành vi đó cho phù hợp với các chuẩn mực đạo đức. Do sự điều chỉnh đó xuất phát từ tự thân chủ thể nên hành vi đạo đức có tính bền vững

 Pháp luật là hệ thống các quy tắc xử sự do nhà nước ban hành và được bảo đảm thực hiện, thể hiện ý chí nhà nước, điều chỉnh các quan hệ xã hội.

 Pháp luật thể hiện ý chí của nhà nước, do nhà nước ban hành hoặc thừa nhận để điều chỉnh các hành vi trong xã hội. Pháp luật là sự cưỡng bức, cưỡng chế phải thực hiện tác động bên ngoài, dù muốn hay không người đó cũng phải thay đổi hành vi của mình, nếu không tuân thủ thì sẽ bị cưỡng chế tuân thủ và bị xử phạt. Pháp luật chỉ ra đời và tồn tại trong những giai đoạn lịch sử nhất định, mục đích để điều chỉnh xã hội trong giai đoạn đó. Vì thế pháp luật thường xuyên có sự thay đổi và điều chỉnh nếu như không còn phù hợp với hoàn cảnh hiện tại của xã hội.

 Trong đời sống xã hội, pháp luật đóng vai trò rất quan trọng. Nó là công cụ không thể thiếu để bảo đảm cho sự tồn tại và vận hành bình thường của xã hội, của nền đạo đức. Pháp luật là một công cụ quản lý nhà nước hữu hiệu, pháp luật tạo ra môi trường thuận lợi cho sự phát triển của ý thức đạo đức, làm lành mạnh hóa đời sống xã hội và góp phần bồi đắp nên những giá trị mới.

 Đạo đức và pháp luật có những điểm giống và khác nhau như sau:

 Sự giống nhau

 Đạo đức và pháp luật có các điểm giống nhau cơ bản, đó là:

  • Đều là tập hợp những quy tắc xử sự chung, là khuôn khổ, khuôn mẫu, chuẩn mực hướng dẫn con người cách xử sự trong xã hội. Pháp luật được đặt ra không phải cho một chủ thể cụ thể hay một tổ chức, cá nhân cụ thể đã xác định được mà được đặt ra cho tất cả các chủ thể tham gia vào quan hệ xã hội do chúng điều chỉnh. Căn cứ vào các chuẩn mực đạo đức và pháp luật để các chủ thể biết mình được làm gì, không được làm gì khi ở một hoàn cảnh, điều kiện nhất định.
  • Có tính phổ biến và xu hướng để phù hợp với xã hội. Đạo đức và pháp luật đều mang tính quy phạm phổ biến, là khuôn mẫu chuẩn mực trong hành vi của mỗi con người trong xã hội. Chúng có tác động đến hầu hết tất cả các lĩnh vực trong đời sống và chủ thể trong xã hội.
  • Là kết quả, là đúc kết của quá trình nhận thức, phản ánh sự tồn tại và phát triển của xã hội trong những giai đoạn khác nhau. Pháp luật và đạo đức vừa chịu sự chi phối, vừa tác động tới đời sống kinh tế xã hội.
  • Được thực hiện và điều chỉnh nhiều lần trong thực tế cuộc sống để phù hợp với các điều kiện, hoàn cảnh khác nhau trong xã hội. Vì ban hành ra pháp luật và các chuẩn mực đạo đức không chỉ để điều chỉnh một mối quan hệ cụ thể mà là để điều chỉnh cả một hệ thống xã hội chung.

 Điểm khác nhau cơ bản giữa đạo đức và pháp luật

 Có 3 điểm khác nhau cơ bản giữa đạo đức và pháp luật như sau:

Tiêu chí Đạo Đức Pháp Luật
Cơ sở hình thành Được đúc kết từ cuộc sống, nguyện vọng của nhân dân và được truyền tai nhau qua nhiều thế hệ Do nhà nước ban hành
Hình thức thể hiện Thể hiện thông qua dạng không thành văn như văn hoá truyền miệng, phong tục tập quán, ca dao, tục ngữ…và dạng thành văn như kinh, sách chính trị,… Hệ thống của văn bản quy phạm pháp luật: Bộ luật, Luật, Nghị định, Thông tư,
Các biện pháp bảo đảm thực hiện Tự giác, răn đe thông qua tác động của dư luận xã hội, khen chê, lên án, khuyến khích,… Lương tâm con người. Pháp luật thông qua bộ máy cơ quan như cơ quan lập pháp, tư pháp, hành pháp để đảm bảo thực hiện bằng các biện pháp quyền lực nhà nước, từ tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, thuyết phục cho đến áp dụng các biện pháp cưỡng chế của nhà nước.

 Nghĩa vụ pháp lý của chủ thể

 Cá nhân hay tổ chức có năng lực pháp luật và năng lực hành vi pháp luật, tham gia vào các quan hệ pháp luật, có quyền và nghĩa vụ pháp lí nhất định.

 Nói một cách chung nhất, cá nhân, tổ chức có thể là chủ thể quan hệ pháp luật, nhưng đi vào cụ thể thì có sự phân biệt giữa cá nhân và tổ chức với tư cách là chủ thể của quan hệ pháp luật.

 Cá nhân có thể là công dân, người nước ngoài, người không quốc tịch. Với tư cách là công dân, cá nhân là chủ thể của quan hệ pháp luật ở những mức đô khác nhau. Mọi cá nhân – công dân từ khi sinh ra được pháp luật công nhận là có năng lực pháp luật, khả năng có quyển và có nghĩa vụ pháp lí. Cá nhân công dân từ đủ 18 tuổi trở lên có năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Cá nhân – công dân từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi khi xác lập, tham gia các quan hệ pháp luật, xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự phải được sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật, trừ giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày phù hợp với lứa tuổi. Cá nhân – công dân từ khi sinh ra đến chưa đủ 6 tuổi chỉ có năng lực pháp luật mà chưa có năng lực hành vi dân sự, mọi giao dịch dân sự đều phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện. Cá nhân – công dân mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự cũng là chủ thể quan hệ pháp luật hạn chế theo quy định của pháp luật.

 Tổ chức chỉ khi là pháp nhân mới là chủ thể đầy đủ của quan hệ pháp luật, các tổ chức khác phụ thuộc vào tư cách pháp lí khác nhau, cũng có thể là chủ thể của các quan hệ pháp luật, nhưng ở phạm vi nhất định.

 Người nước ngoài, người không quốc tịch đều là chủ thể quan hệ pháp luật, trừ những quan hệ pháp luật mà chỉ công dân mới được thực hiện.

 Nghĩa vụ pháp lý của doanh nghiệp

 -Đáp ứng đủ điều kiện đầu tư kinh doanh khi kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật và bảo đảm duy trì đủ điều kiện đó trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh.

 -Thực hiện đầy đủ, kịp thời nghĩa vụ về đăng ký doanh nghiệp, đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, công khai thông tin về thành lập và hoạt động của doanh nghiệp, báo cáo và nghĩa vụ khác theo quy định của Luật này.

 -Chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của thông tin kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và các báo cáo; trường hợp phát hiện thông tin đã kê khai hoặc báo cáo thiếu chính xác, chưa đầy đủ thì phải kịp thời sửa đổi, bổ sung các thông tin đó.

 -Tổ chức công tác kế toán, nộp thuế và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật.

 -Bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động theo quy định của pháp luật; không phân biệt đối xử, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người lao động trong doanh nghiệp; không ngược đãi lao động, cưỡng bức lao động hoặc sử dụng lao động chưa thành niên trái pháp luật; hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tham gia đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng nghề; thực hiện các chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế và bảo hiểm khác cho người lao động theo quy định của pháp luật.

 -Nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.