Toan tính của ‘siêu doanh nghiệp’ 500.000 tỷ đồng

 Đăng ký thành lập với vốn điều lệ cao đến vô lý rồi chấp nhận nộp phạt để giải thể sau sáu tháng, ‘siêu doanh nghiệp’ mất ít được nhiều.

 Vài năm qua, Việt Nam liên tiếp ghi nhận sự xuất hiện của những “siêu doanh nghiệp” có vốn điều lệ rất lớn. Vụ việc thu hút được sự chú ý thời gian gần đây chính là tuyên bố giải thể của một công ty đăng ký vốn thành lập lên tới 500.000 tỷ đồng – con số mà ngay cả những doanh nghiệp hùng mạnh nhất của Việt Nam hiện nay cũng không thể có. Trước đó, hồi đầu năm 2020, một doanh nghiệp cũng đăng ký thành lập với vốn điều lệ 144.000 tỷ đồng, nhưng sau đó các cổ đông sáng lập thừa nhận chỉ là… “ghi nhầm”.

 Với số vốn điều lệ lên tới 500.000 tỷ đồng như trường hợp của Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Công nghệ Tự động Toàn cầu (Auto Investment Group), đây rõ ràng là một điều bất thường. Hiện nay, quy định không nói rõ số vốn tối thiểu, hoặc tối đa mà doanh nghiệp phải đăng ký, trừ các doanh nghiệp kinh doanh những ngành nghề bắt buộc phải có vốn pháp định tối thiểu như ngân hàng, bảo hiểm…

 Vốn điều lệ là một con số đặc biệt quan trọng trong công ty, nhưng khi đăng ký thành lập doanh nghiệp thì có thể ghi bao nhiêu cũng được. Quy định hiện nay không cho phép: “Kê khai khống vốn điều lệ, không góp đủ số vốn điều lệ như đã đăng ký; cố ý định giá tài sản góp vốn không đúng giá trị”. Tuy nhiên, trên thực tế thì rất khó biết tình trạng vốn ảo. Nếu chưa góp đủ vốn thì pháp luật thuế sẽ loại trừ hạch toán phần chi phí tương ứng với số vốn còn thiếu. Vì doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm, nên việc xử phạt chỉ xảy ra khi cơ quan chức năng tiến hành việc thanh kiểm tra.

 Theo điểm mới của Luật Doanh nghiệp, chúng ta khuyến khích người dân bỏ vốn kinh doanh và tự kê khai thông tin về vốn điều lệ khi làm hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, thay vì trước đây Nhà nước phải kiểm tra, xác minh doanh nghiệp có đủ số tiền đăng ký hay không mới cho thành lập. Thực tế đó đã vô tình tạo ra những kẽ hở cho một số đối tượng lợi dụng đăng ký vốn điều lệ cao nhằm mục đích trục lợi, lừa đảo. Thường thấy nhất là việc người thành lập doanh nghiệp dùng thông tin đăng ký vốn “khủng” để đánh bóng tên tuổi của bản thân, tạo tiếng vang trên thị trường. Vì không gây thiệt hại cho ai nên hành vi này khó bị kết tội và xử lý.

 Ngày nay, với việc áp dụng hệ thống đăng ký kinh doanh trực tuyến, chúng ta có thể dễ dàng phân loại và phát hiện các trường hợp kê khai vốn điều lệ bất thường. Theo tôi, các cơ quan quản lý cần giám sát và thanh kiểm tra chặt chẽ hơn với các doanh nghiệp này để tránh những nguy cơ rủi ro có thể xảy ra, hạn chế tình trạng kê khai vốn ảo, ngăn chặn kịp thời các sai phạm của doanh nghiệp.

 Bên cạnh đó, rất cần phải tăng chế tài xử lý đối với hành vi kê khai khống vốn điều lệ khi thành lập doanh nghiệp. Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 122/2021/NĐ-CP, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, trong đó có việc xử phạt hành vi kê khai khống vốn điều lệ. Theo đó, tổ chức, cá nhân sẽ phải chịu trách nhiệm và sẽ bị phạt tiền từ 20-100 triệu đồng nếu vi phạm.

 So với trước đó, mức xử phạt đã được tăng lên, tuy nhiên, theo tôi nó vẫn còn khá thấp, chưa đủ sức răn đe. Số tiền phạt dường như chẳng “thấm” gì so với “hiệu quả PR” và các mục đích khác mà các doanh nghiệp thu được từ hành vi khai khống vốn điều lệ. Thế nên, không ít doanh nghiệp sẵn sàng chịu phạt, miễn là đạt được mục đích của mình. Do vậy, theo tôi, cần tiếp tục nâng mức xử phạt với hành vi này. Thậm chí, có thể bổ sung thêm một số điều luật ràng buộc khác, như: tài khoản của doanh nghiệp phải có sẵn một tỷ lệ vốn nhất định làm tiền đặt cọc để cơ quan chức năng có thể phong tỏa khi cần thiết; hoặc phải đóng thuế theo phần trăm vốn của đã đăng ký dù công ty mới chỉ thành lập để đó chứ chưa làm gì…

 Nói tóm lại, hậu quả của hành vi kê khai vốn ảo là rất lớn. Do đó, chúng ta cần sớm có những chế tài bổ sung để hạn chế những trường hợp gần đây. Nó sẽ gây ra hình ảnh rất xấu cho môi trường kinh doanh trong nước, tạo tiền đề cho các doanh nghiệp khác bắt chước làm theo, khiến nhiễu loạn thị trường. Làm vậy, tôi tin sẽ không còn ai dám dùng tiếp chiêu trò này trong tương lai.

 Nguồn: https://vnexpress.net/toan-tinh-cua-sieu-doanh-nghiep-500-000-ty-dong-4417455.html

  

  

  

  

  

 Tag: mở nghìn mở công ty 500 nghìn tỷ