Tương trợ tư pháp là gì – Hiệp định tương trợ tư pháp giữa việt nam và các nước

Tương trợ tư pháp là gì

 Tương trợ tư pháp là hình thức mà các nước sử dụng để trao và nhận sự giúp đỡ chính thức mang tầm quốc gia trong điều tra, truy tố hình sự.Cụ thể hơn, tương trợ tư pháp quốc tế về hình sự là việc giúp đỡ lẫn nhau giữa các cơ quan tư pháp các quốc gia về các vấn đề tư pháp và pháp luật trên cơ sở điều ước quốc tế hoặc theo pháp luật và thực tiễn tư pháp quốc tế.

Hiệp định tương trợ tư pháp giữa việt nam và các nước

 Việt Nam đã ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp (điều ước quốc tế) với một số nước trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân – gia đình và hình sự. Các hiệp định đó quy định rõ phạm vi các vấn đề mà cơ quan tư pháp các nước hữu quan sẽ hợp tác, giúp đỡ nhau, các nguyên tắc áp dụng để giải quyết xung đột pháp luật và xung đột về quyền tài phán trong các lĩnh vực cụ thể, cách thức hợp tác và thực hiện các ủy thác tư pháp quốc tế, các nguyên tắc bảo hộ quyền và lợi ích chính đáng của công dân các nước ký kết hiệp định… Trong trường hợp không có hiệp định tương trợ tư pháp, các cơ quan tư pháp sẽ giúp đỡ nhau trên cơ sở pháp luật mình phù hợp với thực tiễn tư pháp quốc tế về vấn đề này (chủ yếu là theo nguyên tắc có đi có lại)

 Theo quy định tại Khoản 5 Điều 17 Luật Tương trợ tư pháp thì phạm vi tương trợ tư pháp về hình sự có nội dung về trao đổi thông tin và các hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự Việt Nam ký kết với các quốc gia trong thời gian qua bao giờ cũng có nội dung là trao đổi, cung cấp thông tin về án tích của công dân hai bên.Theo quy định tại Điều 26, 64 Luật Tương trợ tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân tối cao có vai trò là cơ quan đầu mối trong việc tiếp nhận, chuyển giao, theo dõi các thông tin do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thông báo, cung cấp, trong đó có các thông tin về lý lịch tư pháp của công dân Việt Nam phạm tội ở nước ngoài. Thông qua các điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp được Việt Nam tham gia, ký kết, tạo cơ sở pháp lý hữu hiệu để Viện kiểm sát nhân dân tối cao tiến hành hợp tác với các cơ quan có thẩm quyền nhằm cung cấp, trao đổi thông tin về hình sự giữa Việt Nam và nước ngoài, trong đó có các thông tin về lý lịch tư pháp.

 Theo kết quả tổng hợp từ Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp, cho đến nay Việt Nam đã tham gia ký kết các điều ước quốc tế (hiệp định) về hình sự song phương với 17 quốc gia,tham gia 16 điều ước quốc tế đa phương và đang đàm phán/chuẩn bị ký kết song phương với 6 quốc gia. Trên cơ sở những Công ước quốc tế, Hiệp định tương trợ tư pháp và nguyên tắc có đi có lại về hình sự đã được Việt Nam ký kết hoặc tham gia trong đó có nội dung về trao đổi thông tin cho nhau những bản án, trích lục bản án, trích lục án tích, lý lịch tư pháp…Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài đã có sự phối hợp, trao đổi thông tin của công dân Việt Nam bị Tòa án nước ngoài kết án và người nước ngoài bị Tòa án Việt Nam kết án trao đổi, cung cấp cho nhau. Các thông tin về án tích do phía nước ngoài cung cấp cho Việt Nam là một trong những nguồn thông tin quan trọng về án tích của công dân Việt Nam phạm tội ở nước ngoài để Bộ Tư pháp (Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia)xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp và khai thác, sử dụng trong công tác cấp phiếu lý lịch tư pháp và phục vụ yêu cầu của các cơ quan tố tụng.

 Từ khi thực hiện Luật Lý lịch tư pháp (2010) đến hết năm 2016, Bộ Tư pháp đã tiếp nhận tổng số 5.991 thông tin lý lịch tư pháp là các án tích, trích lục án tích, lý lịch tư pháp của các quốc gia: Séc, Nga, Slovakia, Ba Lan, Hungari.

 Qua phân tích các con số thống kê cho thấy các thông tin này đều do các quốc gia đã ký hiệp định tương trợ tư pháp(điều ước quốc tế) về hình sự với Việt Nam trong đó có nội dung liên quan đến lý lịch tư pháp cung cấp cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao và tiếp tục cung cấp cho Bộ Tư pháp (Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia) để xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp theo quy định của Luật Lý lịch tư pháp, trong đó có 2 quốc gia Séc và Ba Lan cung cấp với số lượng nhiều nhất, còn nhiều quốc gia đã có các hiệp định ký kết với Viêt Nam thì chưa có thông tin và chưa có thông tin nào được trao đổi, cung cấp theo nguyên tắc có đi có lại. Bên cạnh đó, ở chiều ngược lại, theo đề nghị của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp cũng phối hợp cung cấp 149 thông tin lý lịch tư pháp của công dân 06 quốc gia: Vương quốc Anh, Cộng hòa Bungari, CHDCND Lào, CHLB Nga, CH Séc, CHND Trung Hoa cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao để trao đổi, cung cấp cho các quốc gia liên quan.