Chuyện chưa kể của Luật sư Phạm Hồng Hải trong vụ án vườn điều

 LSVNO – Luật sư Phạm Hồng Hải gần như khóc khi đọc dòng chữ nguệch ngoạc cuối cùng của bị cáo Nguyễn Thị Nhung: “Khi tôi chết không được chôn cất phải đưa thi hài tôi giao cho Công an tỉnh Bình Thuận…”.

 Tâm sự giờ mới kể

 Nhớ lại vụ án vườn điều năm xưa, PGS. TS. Luật sư Phạm Hồng Hải – Trưởng văn phòng Luật sư Phạm Hồng Hải và Cộng sự không giấu được sự bồi hồi, xúc động. Vụ án này để lại trong ông nhiều kỷ niệm đáng nhớ, hội tụ nhiều tình tiết pháp lý vô cùng… phi lý, cho thấy điều tra viên đã “nhảy múa” trên hồ sơ, truy tố oan người vô tội Huỳnh Văn Nén.

 Vì vụ án có nhiều tình tiết ly kỳ, nên PGS. TS. Luật sư Phạm Hồng Hải đã viết hẳn thành một cuốn sách có tên gọi “Vụ án vườn điều từ những góc nhìn”.

 “Ngay lần đầu tiên tiếp cận tài liệu, thông tin vụ án, tôi đã gần như khóc khi đọc dòng chữ nguệch ngoạc cuối cùng của bị cáo Nguyễn Thị Nhung (SN 1957): “Trước khi tôi nhắm mắt xuôi tay, kính gửi cha mẹ ruột, cha mẹ chồng, nội ngoại, người thân và chồng Trần Văn Sáng thực hiện nguyện vọng của tôi như sau: Khi tôi chết không được chôn cất phải đưa thi hài tôi giao cho Công an tỉnh Bình Thuận”…”, ông Phạm Hồng Hải tâm sự.

 Ngoài bức thư nói trên, Luật sư Phạm Hồng Hải còn nhận được một bức thư của ông Nguyễn Thận – Chủ tịch UBND xã Tân Minh, huyện Hàm Tâm, tỉnh Bình Thuận, đề nghị ông tham gia minh oan cho các công dân của ông.

 Theo ông Chủ tịch xã, kẻ giết bà Dương Thị Mỹ (SN 1955, trú tại thôn 2, xã Tân Minh, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận) không thể là bà Nguyễn Thị Lâm (1937, trú tại thôn 2, xã Tân Minh, là mẹ ruột của chị Nhung) và các con cháu của bà.

 Linh cảm nghề nghiệp cho thấy, con người này bị hàm oan, đến khi sắp từ giã cõi đời, chỉ có một mong ước được rửa nỗi oan trên trần thế. Những điều đó đã thôi thúc Luật sư Phạm Hồng Hải quyết định tham gia bào chữa miễn phí cho bà Nguyễn Thị Lâm trong vụ án vườn điều.

 Hồ sơ điều tra bị sai lệch

 Luật sư Phạm Hồng Hải kể: “Một trong những hung khí dùng để tấn công nạn nhân là con dao phay thái thịt. Theo quy kết của cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Bình Thuận, chính Nguyễn Thị Lâm đã dùng con dao này tấn công nạn nhân, gây đứt tay, đứt quai hàm, gây mất máu và tử vong. Con dao đó đã được Huỳnh Văn Nén chôn giấu dưới lòng đất. 5 năm sau, khi CQĐT khai quật và thu được, nó chỉ còn là một thanh kim loại có kiểu dáng con dao phay”.

 Luật sư Hải chia sẻ: “Tôi đã kiểm tra lại tình hình thời tiết những ngày sau khi vụ án xảy ra và thấy rằng, đất Bình Thuận ít mưa, nắng nóng và khô. Nếu thực sự con dao gây án chôn ở độ sâu khoảng 50cm, nó không thể biến dạng nhanh, han rỉ nhanh như vậy được (khi xét xử mẫu vật được gọi là con dao là hung khí chỉ còn là mạt sắt đựng vỏn vẹn trong vỏ 1 bao thuốc lá). Đây là điều phi lý, cần phải khoét sâu, làm rõ”.

 Sau này, cơ quan chức năng xác định các vết thương trên người nạn nhân là do dao quắm gây nên, đúng như nhận định, đánh giá của Luật sư Phạm Hồng Hải.

 Luật sư Phạm Hồng Hải kể tiếp: “Một trong những điểm thiếu thuyết phục trong nhận định của cơ quan tiến hành tố tụng chính là hiện trường vụ án, nơi phát hiện thi thể nạn nhân”.

 Thực tế tại nơi phát hiện ra tử thi có một số vết máu nhưng không đáng kể, trong khi đó nạn nhân là một người to khỏe, bị giết chết bởi những vết thương gây mất máu (đứt xương trụ tay, vùng cổ, vỡ xương hàm dưới, đứt lưỡi…). Với các vết thương nêu trên, chắc chắn trên quần áo, người nạn nhân và nơi xảy ra vụ án phải có rất nhiều máu.

 “Thế mà trong hồ sơ vụ án thể hiện, trên quần áo nạn nhân lại không có một giọt máu nào. Vậy thì máu nạn nhân đã chảy đi đâu?”, Luật sư Phạm Hồng Hải đánh giá chứng cứ.

 Vị Luật sư lão luyện trong nghề đã chỉ ra, thời điểm nạn nhân chết, cho tới khi phát hiện ra thi thể, ở địa phương không có mưa (một trong những nguyên nhân quan trọng nhất làm xáo trộn hiện trường và xóa đi các vết máu ở lại – PV). Do vậy, Luật sư Hải nghi ngờ nạn nhân bị giết ở nơi khác và thi thể được chuyển đến vườn điều nhà ông Hai Hoàng.

 Luật sư Phạm Hồng Hải phân tích: “Khi hàng xóm, người thân tham gia khâm liệm nạn nhân Dương Thị Mỹ, phát hiện thấy trong các móng tay để dài của nạn nhân dính nhiều đất màu đen (đất thường có ở nhiều nền nhà người dân huyện Hàm Tân). Trong khi đất ở vườn điều nhà ông Hai Hoàng lại là đất đồi có màu vàng. Rõ ràng, ở đây có uẩn khúc”.

 Vì sao ông Huỳnh Văn Nén bị rơi vào vòng lao lý?

 Luật sư Phạm Hồng Hải nhớ lại, đêm 23/4/1998, bà Lê Thị Bông ở thôn 2, xã Tân Minh (căn cứ 6) bị kẻ gian dùng dây siết cổ đến chết để cướp một chiếc nhẫn vàng của nạn nhân. Cơ quan điều tra Công an tỉnh Bình Thuận đã vào cuộc, nhưng 2 tuần trôi qua vẫn chưa tìm ra hung thủ.

 Cùng thời gian này, ông Huỳnh Văn Nén có trục trặc với vợ, suốt ngày lang thang ngoài chợ, ai nhờ gì làm nấy để lấy tiền uống rượu. Mấy ngày sau khi bà Bông bị giết, trong một lần ngà ngà say, ông Nén đã nói với bạn nhậu rằng ở căn cứ 6 rằng đã từng giết người. “Chộp” được thông tin này, Công an tỉnh Bình Thuận vội vàng gọi ông Nén đến cơ quan điều tra để “đấu tranh”.

 Luật sư Hải cho biết: “Điều tra viên Cao Văn Hùng được giao nhiệm vụ điều tra, phá án. Sau đó, ông Nén bị bắt, điều tra viên Cao Văn Hùng được giao thêm nhiệm vụ điều tra vụ án vườn điều (khôi phục điều tra). Ban đầu ông Nén cương quyết bảo vệ sự trong sạch của mình, khẳng định không liên quan đến vụ án vườn điều.

 Nhiều người Bình Thuận không hiểu vì sao mà sau đó ông Nén đã “nhận tội” một cách thành khẩn, khai báo rất chi tiết về sự tham gia của mình trong vụ án vườn điều”. Từ đây, điều tra viên đã “nhảy múa” trên hồ sơ, tạo ra một vụ án oan sai đầy tai tiếng trong lịch sử tố tụng hình sự.

 Nguồn: https://lsvn.vn/chuyen-chua-ke-cua-luat-su-pham-hong-hai-trong-vu-an-vuon-dieu.html

  

  

  

  

  

  

 Tag: tiểu vp