Luật an ninh mạng là gì – Tóm tắt nội dung cơ bản luật an ninh mạng

Luật an ninh mạng là gì

 Luật an ninh mạng là ngành luật quy định về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng

Luật an ninh mạng có hiệu lực kể từ ngày tháng năm nào

 Luật mới về An ninh mạng có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2019 tại Việt Nam

Tóm tắt nội dung cơ bản luật an ninh mạng

 Chương I- Những quy định chung gồm 9 Điều. Đó là các quy định về phạm vi điều chỉnh, giải thích từ ngữ (an ninh mạng; bảo vệ an ninh mạng; không gian mạng; không gian mạng quốc gia; cơ sở không gian mạng quốc gia; cổng kết nối quốc tế; tội phạm mạng; tấn công mạng; khủng bố mạng; gián điệp mạng; tài khoản số; nguy cơ đe dọa an ninh mạng; sự cố an ninh mạng; tình huống nguy hiểm về an ninh mạng), chính sách của Nhà nước an ninh mạng, nguyên tắc bảo vệ an ninh mạng; biện pháp bảo vệ an ninh mạng, bảo vệ không gian mạng quốc gia, hợp tác quốc tế về an ninh mạng; các hành vi nghiêm cấm về an ninh mạng, xử lý vi phạm pháp luật an ninh mạng.

 Chương II – Bảo vệ an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia. Chương này gồm 5 Điều, quy định chi tiết về: Hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; thẩm định an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; đánh giá điều kiện an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; kiểm tra an ninh mạng đối với thông thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; giám sát an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; ứng phó, khắc phục sự cố an ninh mạng đối với hệ thông thông tin quan trọng an ninh quốc gia.

 Chương III – Phòng ngừa, xử lý hành vi xâm phạm an ninh mạng gồm 7 Điều quy định về: Phòng ngừa, xử lý thông tin trên không gian mạng có nội dung tuyên truyền chống phá Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng; làm nhục, vu khống; xâm phạm trật tự quản lý kinh tế; phòng, chống gián điệp mạng; bảo vệ thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật công tác, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư trên không gian mạng; Phòng, chống hành vi sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin, phương tiện điện tử để vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; phòng, chống tấn công mạng; phòng, chống khủng bố mạng; phòng ngừa, xử lý tình huống nguy hiểm về an ninh mạng; đấu tranh bảo vệ an ninh mạng.

 Chương IV- Hoạt động bảo vệ an ninh mạng gồm 7 Điều, quy định về: Triển khai hoạt động bảo vệ an ninh mạng trong cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị ở trung ương và địa phương; kiểm tra an ninh mạng đối với hệ thống thông tin của có quan, tổ chức không thuộc Danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; bảo vệ an ninh mạng đối với cơ sở hạ tầng không gian mạng quốc gia, cổng kết nối mạng quốc tế; bảo đảm an ninh thông tin trên không gian mạng; nghiên cứu, phát triển an ninh mạng; nâng cao năng lực tự chủ về an ninh mạng; bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.

 Chương V- Bảo đảm hoạt động bảo vệ an ninh mạng gồm 6 Điều, quy định cụ thể: Lực lượng bảo vệ an ninh mạng; bảo đảm nguồn nhân lực bảo vệ an ninh mạng; tuyển chọn, đào tạo, phát triển lực lượng bảo vệ an ninh mạng; giáo dục, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ an ninh mạng; phổ biến kiến thức về an ninh mạng; Kinh phí bảo vệ an ninh mạng.

 Chương VI – Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân gồm 7 Điều, quy định về trách nhiệm của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Cơ yếu chính phủ và trách nhiệm của Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh cũng như doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên không gian mạng cùng cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng không gian mạng. Chương VII – Điều khoản thi hành, gồm Điều 43 quy định hiệu lực thi hành. Cụ thể, Luật An ninh mạng có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2019.

Nội dung cơ bản luật an ninh mạng

 1. Nghiêm cấm thông tin sai sự thật gây hoang mang trên mạng

 Điều 8 của Luật này quy định nhiều hành vi bị nghiêm cấm trên môi trường mạng. Trong đó, nghiêm cấm việc sử dụng không gian mạng để thực hiện các hành vi như: Tổ chức, hoạt động, câu kết, xúi giục mua chuộc lừa gạt, lôi kéo người chống phá Nhà nước; Xuyên tạc lịch sử; Thông tin sai sự thật gây hoang mang; Hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội; Sản xuất, đưa vào sử dụng phần mềm gây rối loạn hoạt động của mạng viễn thông, mạng Internet…

 Bên cạnh đó, hành vi lợi dụng hoặc lạm dụng hoạt động bảo vệ an ninh mạng để xâm phạm chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích  hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc để trục lợi cũng là một hành vi bị nghiêm cấm.

 2. Doanh nghiệp nước ngoài phải lưu trữ dữ liệu người dùng tại Việt Nam

 Khoản 3 Điều 26 của Luật yêu cầu doanh nghiệp trong nước và nước ngoài cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet và các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam có hoạt động thu thập, khai thác, phân tích, xử lý dữ liệu về thông tin cá nhân phải lưu trữ dữ liệu này tại Việt Nam trong thời gian theo quy định của Chính phủ.

 Riêng doanh nghiệp nước ngoài phải đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam.

 3. Ngừng cung cấp dịch vụ mạng khi có yêu cầu của cơ quan chức năng

 Ngoài yêu cầu phải lưu trữ dữ liệu người dùng tại Việt Nam, các doanh nghiệp trong và ngoài nước không được cung cấp hoặc phải ngừng cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet, các dịch vụ gia tăng cho tổ chức, cá nhân đăng tải trên mạng thông tin bị nghiêm cấm nêu trên, khi có yêu cầu của lực lượng bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an hoặc cơ quan có thẩm quyền của Bộ Thông tin và Truyền thông.

 4. Doanh nghiệp phải cung cấp thông tin người dùng để phục vụ điều tra

 Các doanh nghiệp nêu trên cũng phải có trách nhiệm xác thực thông tin khi người dùng đăng ký tài khoản số; bảo mật thông tin, tài khoản của người dùng.

 Đặc biệt, phải cung cấp thông tin người dùng cho lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an khi có yêu cầu bằng văn bản để phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng.

 5. Thông tin vi phạm trên mạng bị xóa bỏ trong vòng 24 giờ

 Khi người dùng chia sẻ những thông tin bị nghiêm cấm, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet và các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam phải ngăn chặn việc chia sẻ thông tin, xóa bỏ thông tin vi phạm chậm nhất là 24 giờ, kể từ thời điểm có yêu cầu của lực lượng bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an hoặc cơ quan của Bộ Thông tin và Truyền thông.

 Đồng thời, doanh nghiệp phải lưu nhật ký hệ thống để phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng trong thời gian quy định.

 6. Bảo vệ trẻ em trên không gian mạng

 Đây là một quy định rất nhân văn của Luật An ninh mạng 2018. Theo đó, Điều 29 quy định: Trẻ em có quyền được bảo vệ, tiếp cận thông tin, tham gia hoạt động xã hội, vui chơi, giải trí, giữ bí mật cá nhân, đời sống riêng tư và các quyền khác khi tham gia trên không gian mạng.

 Các doanh nghiệp phải đảm bảo kiểm soát nội dung để không gây nguy hại cho trẻ em; đồng thời, xóa bỏ thông tin có nội dung gây nguy hại cho trẻ em…

 7. “Nghe lén” các cuộc đàm thoại được coi là hành vi gián điệp mạng

 Các hành vi gián điệp mạng; xâm phạm bí mật nhà nước, bí mật công tác, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư trên không gian mạng được liệt kê tại khoản 1 Điều 17 Luật An ninh mạng 2018, trong đó có:

 – Đưa lên không gian mạng những thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật công tác, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư trái quy định của pháp luật;

 – Cố ý nghe, ghi âm, ghi hình trái phép các cuộc đàm thoại;

 – Chiếm đoạt, mua bán, thu giữ, cố ý làm lộ thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật công tác, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư gây ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân…

 8. Khuyến khích cá nhân, tổ chức tham gia phổ biến kiến thức an ninh mạng

 Nhà nước có chính sách phổ biến kiến thức về an ninh mạng trong phạm vi cả nước, khuyến khích cơ quan Nhà nước phối hợp với tổ chức tư nhân, cá nhân thực hiện chương trình giáo dục và nâng cao nhận thức về an ninh mạng.

 Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức có trách nhiệm xây dựng và triển khai hoạt động phổ biến kiến thức về an ninh mạng cho cán bộ, công chức trong Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức. UBND cấp tỉnh có trách nhiệm phổ biến kiến thức cho cơ quan, tổ chức, cá nhân của địa phương.

Liên hệ bản thân về luật an ninh mạng

 Mỗi cá nhân cần nghiên cứu, hiểu rõ ý nghĩa, giá trị, nội dung của Luật An ninh mạng, quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm và những hành vi bị cấm khi tham gia hoạt động trên không gian mạng.

 Tự trau dồi kỹ năng nhận diện âm mưu, thủ đoạn gây nguy cơ mất an ninh mạng, nhất là âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch. Nhận diện được các tổ chức chống đối hoạt động trên không gian mạng như Việt Tân, Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời…; các thủ đoạn tạo vỏ bọc “xã hội dân sự”, “diễn đàn dân chủ”,… để chống phá; các website giả mạo, các trang mạng có nhiều nội dung thông tin xấu, độc.

 Nâng cao ý thức phòng tránh, tự vệ khi tham gia mạng xã hội. Nghiên cứu kỹ trước khi like hoặc chia sẻ các file, các bài viết hoặc các đường link; cảnh giác với trang web lạ (web đen), E-mail chưa rõ danh tính và đường dẫn đáng nghi ngờ; tuyệt đối không a dua, hiếu kỳ, hoặc tham tiền bạc cùng với những lời kích động, xúi giục của các đối tượng xấu. Kịp thời cung cấp thông tin, thực hiện yêu cầu và hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, người có trách nhiệm.

 Biết cách tận dụng, sử dụng mạng xã hội một cách đúng đắn và hiệu quả, biến mạng xã hội thành một phương tiện, một kênh hữu ích để mở mang kiến thức, cùng nhau xây dựng môi trường văn hóa mạng xã hội lành mạnh, tránh bị các thông tin ảo chi phối tác động, góp phần phòng chống, ngăn chặn những tư tưởng, quan điểm sai trái, thù địch một cách có hiệu quả.

 Phổ biến, tuyên truyền trong gia đình, người thân, bạn bè và Nhân dân nơi cư trú các quy định của Luật An ninh mạng để mọi người nắm, hiểu và không thực hiện các hành vi vi phạm liên quan đến an ninh mạng, góp phần xây dựng “không gian mạng lành mạnh từ cơ sở”

Bài thu hoạch về luật an ninh mạng

 Câu 1: Luật an ninh mạng gồm bao nhiêu Chương, Điều và được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua; công bố; có hiệu lực ngày, tháng, năm nào?

 Luật An ninh mạng được Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ năm thông qua ngày 12 tháng 06 năm 2018; Luật An ninh mạng được Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam công bố tại Lệnh công bố luật số: 06/2018/L-CTN ngày 25 tháng 06 năm 2018 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2019.

 Luật An ninh mạng gồm 07 Chương, 43 Điều, cụ thể:

 Chương I: Quy định về những quy định chung (từ Điều 01 đến Điều 09)

 Chương II: Bảo vệ an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh Quốc gia (từ Điều 10 đến Điều 15)

 Chương III: Phòng ngừa, xử lý hành vi xâm phạm an ninh mạng (từ Điều 16 đến Điều 22)

 Chương IV: Hoạt động bảo vệ an ninh mạng (từ Điều 23 đến Điều 29)

 Chương V: Bảo đảm hoạt động bảo vệ an ninh mạng (từ ĐIều 30 đến Điều 35)

 Chương VI: Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân (từ Điều 36 đến Điều 43)

 Chương VII: Điều khoản thi hành (Điều 43).

 Câu 2: Nguyên tắc bảo vệ an ninh mạng bao gồm những nguyên tắc nào? Các biện pháp bảo vệ an ninh mạng của Nhà nước?

 Thứ nhất: Nguyên tắc bảo vệ an ninh mạng

 “1. Tuân thủ Hiến Pháp và pháp luật; bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

 2. Đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý thống nhất của Nhà nước; huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn dân tộc; phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng.

 3. Kết hợp chặt chẽ giữa nhiệm vụ bảo vệ an ninh mạng, bảo vệ hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia với nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, tạo điều kiện cho cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động trên không gian mạng.

 4. Chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh, làm thất bại mọi hoạt động sử dụng không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; sẵn sàng ngăn chặn các nguy cơ đe dọa an ninh mạng.

 5. Triển khai hoạt động bảo vệ an ninh mạng đối với cơ sở hạ tầng không gian mạng quốc gia; áp dụng các biện pháp bảo vệ hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.

 6. Hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia được thẩm định, chứng nhận đủ điều kiện về an ninh mạng trước khi đưa vào vận hành, sử dụng; thường xuyên kiểm tra, giám sát về an ninh mạng trong quá trình sử dụng và kịp thời ứng phó, khắc phục sự cố an ninh mạng.

 7. Mọi hành vi va phạm pháp luật về an ninh mạng phải được xử lý kịp thời, nghiêm minh.”

 Thứ hai: Những biện pháp bảo vệ an ninh mạng

 Theo quy định tại Điều 5 – Luật an ninh mạng năm 2018 những biện pháp bảo vệ an ninh mạng bao gồm:

 + Thẩm định an ninh mạng.

 + Đánh giá điều kiện an ninh mạng.

 + Kiểm tra an ninh mạng.

 + Giám sát an ninh mạng.

 + Ứng phó, khắc phục sự cố an ninh mạng.

 + Đấu tranh bảo vệ an ninh mạng.

 + Sử dụng mật mã để bảo vệ thông tin mạng.

 + Ngăn chặn, yêu cầu tạm ngừng, ngừng cung cấp thông tin mạng; đình chỉ, tạm đình chỉ các hoạt động thiết lập, cung cấp và sử dụng mạng viễn thông, mạng internet, sản xuất và sử dụng thiết bị phát, thu phát sóng vô tuyến theo quy định của pháp luật.

 + Yêu cầu xóa bỏ, truy cập xóa bỏ thông tin trái pháp luật hoặc thông tin sai sự thật trên không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

 + Thu thập dữ liệu điện tử liên quan đến hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên không gian mạng.

 + Phong tỏa, hạn chế hoạt động của hệ thống thông tin; đình chỉ, tạm đình chỉ hoặc yêu cầu ngừng hoạt động của hệ thống thông tin, thu hồi tên miền theo quy định của pháp luật.

 + Khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử theo quy định của Bộ luật Tống tụng hình sự.

 + Biện pháp khác theo quy định của pháp luật về an ninh quốc gia, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Chính phủ quy định trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp bảo vệ an ninh mạng, trừ biện pháp như: khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự; biện pháp khác theo quy định của pháp luật về an ninh quốc gia, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính

 Câu 3: Nhiệm vụ bảo vệ an toàn, an ninh mạng trong quân đội?

 – Sự chống phá của các thế lực thù địch vào an ninh mạng

 Hiện nay đã xuất hiện nhiều cuộc tấn công mạng với quy mô lớn, cường độ cao, đe dọa trực tiếp đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội. Các thế lực thù địch, phản động đang triệt để lợi dụng không gian mạng để tiến hành các hoạt động xâm phạm an ninh, quốc gia, tuyên truyền chống phá chế độ, kích động biểu tình bạo loạn, thực hiện “cách mạng đường phố” đối với nước ta.

 Chúng không ngừng đẩy mạnh chống phá nền tảng tư tưởng, lý luận của Đảng, phủ nhận con đường đi lên chủ nghĩa xã hội và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; triệt để lợi dụng những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của người dân, các vấn đề về dân tộc, tôn giáo, môi trường, dân sinh; các sự kiện, vụ việc, các vấn đề “nóng” được dư luận quan tâm; sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên… Để tuyên truyền, kích động chia rẽ nội bộ; kiên trì thực hiện âm mưu “phi chính trị hóa” quân dội, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ta.

 Thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch ngày càng tinh vi, nham hiểm và khó nhận biết hơn. Chúng tận dụng tối đa các phương tiện truyền thông và internet, phát triển thêm nhiều trang mạng xã hội và blog, khai thác tối đa các dịch vụ tán phát trực tuyến trên mạng xã hội; chủ động chuẩn bị và liên kết lực lượng chặt chẽ, sẵn sàng tạo ra “điểm nóng” khi chính quyền can thiệp bằng biện pháp mạnh.

 Rất có thể diễn ra cùng lúc có một số “điểm nóng” và có sự liên kết với nhau do các thế lực, tổ chức thực hiện. Chúng tiếp tục sử dụng các dạng “thư ngỏ”, “tâm thư”, “thơ ca”, “hiến kế”, “bình luận” với ngôn từ, lời lẽ ngụy tạo “tiến bộ, nhân văn”, “vì dân, vì nước”, “chống độc tài”… để đưa ra định hướng, đòi hỏi một “đường lối mới”, một “hiến pháp mới” thay cho đường lối của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước.

 Chúng kết nối, phát tán dày đặc thông tin xấu, độc trước, trong, sau các sự kiện chính trị, nhất là thời điểm chuẩn bị đại hội Đảng các cấp, các vụ việc phức tạp, nhạy cảm; triệt để khai thác thông tin “lề trái” từ những lực lượng đối lập, các tổ chức phản động quốc tế; xuyên tạc, bịa đặt, trộn lẫn thật – giả, bình luận theo chiều hướng có vẻ là tích cực nhưng thực chất là nhằm lôi kéo dư luận và nhân dân đòi truy cứu trách nhiệm đối với lành đạo Đảng, Nhà nước và các lực lượng chức năng. Đối với quân đội, chúng sẽ tiếp tục khoét sâu vấn đề quốc phòng, chức năng, nhiệm vụ lao động sản xuất, làm kinh tế và xử lý các vấn đề trên biển Đông có liên quan đến Trung uốc để xuyên tác, kích động làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước và Quân đội nhân dân Việt Nam.

 Cùng với đó, chúng còn kết nối, liên thông với các nhóm hội về chính trị, các tổ chức “hội”, “đoàn”, nhóm phản động trong và ngoài nước; hoạt động của nhóm câu lạc bộ “học tập và làm theo Hồ Chí Minh”; một số hội nhóm “cờ đỏ”; tận dụng triệt để mạng internet, các đài phát thanh, truyền hình quốc tế (BBC, RTA, RFI, VOA) phát tán các tin, bài viết, tài liệu có nội dung chống đối, xuyên tạc trong các tầng lớp nhân dân, đẩy mạnh hoạt động của ưebsite “diễn đàn xã hội dân sự”, phong trào “bảo vệ môi trường”… Từ nay tới khi chúng ta tiến hành Đại hội XIII của Đảng, sự chống phá của các thế lực thù địch sẽ có chiều hướng gia tăng.

 – Nhiệm vụ bảo vệ an toàn, an ninh mạng trong quân đội

 Thứ nhất: “Chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thể lực thù địch, ngăn chặn, phản bác những thông tin và luận điệu sai trái, đẩy lùi các loại tội phạm và tệ nạn xã hội; sẵn sàng đối phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống; bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, an ninh mạng”. Trong đó, an ninh mạng, chiến tranh mạng là loại hình mới, sử dụng các trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, hàm lượng trí tuệ cao, diễn ra hết sức phức tạp, với nhiều kiểu loại, không phân định ranh giới (địa lý hành chính, thời gian hay quy mô), nhưng hậu quả để lại khó lường. Nó có thể là nguyên nhân khởi đầu cho một cuộc chiến tranh bằng vũ lực. Vì thế, cán bộ, chiến sĩ cần nắm vững yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

 Thứ hai: Nhận thức đầy đủ những điểm mới về phương châm bảo vệ Tổ quốc trong Chiến lược Quốc phòng Việt Nam, Chiến lược Quân sự Việt Nam, Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng và Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia…; phản ánh lập trường có tính nguyên tắc, mang tính mưu lược và kế sách, quy tụ và phát huy mọi nguồn lực, cả trong nước và ngoài nước, tạo nên sức mạnh tổng hợp của quốc gia để bảo vệ Tổ quốc. Có tầm nhìn sâu, rộng hơn về không gian và thời gian bảo vệ Tổ quốc.

 Thứ ba: Quán triệt, thực hiện đầy đủ những điểm mới về mục tiêu bảo vệ Tổ quốc trong Chiến lược Quốc phòng Việt Nam, Chiến lược Quân sự Việt Nam, chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng và chiến lược bảo vệ biến giới quốc gia… Bảo vệ Tổ quốc ngày nay không chỉ đơn thuần chăm lo việc phòng, chống địch đánh ta, lo chuẩn bị đối phó với chiến tranh xâm lược, mà còn phải lo giữ vững được sự ổn định chính trị – xã hội và môi trường hòa bình đất nước, phải lo tạo ra được thế ngăn ngừa, đẩy lùi mọi nguy cơ, lo góp phần thúc đẩy xây dựng đất nước ta mạnh lên về mọi mặt.

 Do đó, thực hiện tốt việc phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời âm mưu “diễn biến hòa bình”; thúc đẩy suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; phòng chống âm mưu, thủ đoạn phá hoại an ninh chính trị, kinh tế, văn hóa, tư tưởng. Không ngừng xây dựng, củng cố vững chắc nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân; phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ hiện đại và nguồn nhân lực chất lượng cao, làm chủ các công nghệ mới, tự sản xuất các trang thiết bị thiết yếu, dành thế chủ động thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, mở rộng hợp tác quốc tế nhằm giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; chủ động ngăn chặn, sẵn sàng đối phó hiệu quả và dành thắng lợi trong thắng lợi trong chiến tranh và xử lý các tình huống nảy sinh.

 Thứ tư: Yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc hiện nay đan xen xả thời cơ và thách thực, mà còn biểu thị rõ quyết tâm của Đảng ta xây dựng nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Do đó, việc quán triệt, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, cần phải coi trọng nâng cao chất lượng tổng hợp của lực lượng vũ trang, làm cho lực lượng vũ trang thật sự là lực lượng chính trị tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân, có số lượng hợp lý, có sức chiến đấu cao; xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu, dân quân tự vệ rộng khắp, chủ động chuẩn bị lực lượng và các kế hoạch, phương án tác chiến cụ thể, khoa học, đủ khả năng bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và an quốc gia trong mọi tình huống…

 Câu 4: Thực trạng thực hiện pháp luật an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay

 Thực trạng thực hiện pháp luật an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay:

 Được thể hiện qua bốn phương diện như sau:

 Thứ nhất: Tuân thủ pháp luật về an ninh mạng

 Theo báo cáo thường niên về tình hình an ninh của Bộ Công an, năm 2028, hoạt động lừa đảo chiếm đạo tài sản trên mạng xã hội (facebook, zalo, viber,..) diễn biến phức tạp, nổi lên là tình trạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức nhắn tin thông báo trúng thưởng qua mạng xã hội; làm quen với người bị hại, tạo lòng tin, hứa gửi tiền, quà tặng có giá trị, sau đó giả mạo nhân viên hải quan yêu cầu nạn nhân chuyển tiền làm các thủ tục thông quan để chiếm đoạt.

 Thứ hai: Thi hành pháp luật về an ninh mạng

 Theo nghĩa này thi hành pháp luật về an ninh mạng được hiểu là bắt buộc áp dụng các biện pháp đảm bảo an toàn cho các thành phần mạng đã xác định gồm thiết bị, cơ sở dữ liệu, cơ sở hạ tầng. Bắt buộc các tài nguyên vật chất của mạng phải được sử dụng đúng quy định.

 Thứ ba: Sử dụng pháp luật về an ninh mạng

 Theo Luật An ninh mạng, các chủ thể được thực hiện, không được thực hiện những hành vi nhất định nhằm bảo đảm hoạt động trên không gian mạng không gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Việc sử dụng pháp luật về an ninh mạng thực tế còn xa lạ với nhiều người.

 Thứ tư: Áp dụng pháp luật về an ninh mạng

 Phát hiện 352 vụ, 503 đối tượng phạm tội, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực viễn thông, tin học (tăng 17,73% số vụ so với cùng kỳ 2018). Đã khởi tố 164 vụ, 304 bị can (tăng 17,99% số vụ và tăng 6,29% bị can so với cùng kỳ năm 2018).

Tag: thảo