Quy chế thành viên hợp tác xã theo quy định pháp luật hiện hành

Người đại diện theo pháp luật của hợp tác xã

 Căn cứ theo Luật hợp tác xã quy định người đại diện theo pháp luật của hợp tác xã chính là Chủ tịch hội đồng quản trị.

Quy chế thành viên hợp tác xã theo quy định pháp luật hiện hành

  1. Xác lập tư cách thành viên HTX

 1.1.       Điều kiện chung của thành viên HTX

 Theo Khoản 1 Điều 13 Luật Hợp tác xã 2012, cá nhân, hộ gia đình, pháp nhân Việt Nam có nhu cầu tham gia vào HTX để hợp tác với các thành viên và sử dụng sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã phải viết đơn xin gia nhập, tán thành điều lệ HTX và tiến hành góp vốn vào HTX. Như vậy, kể từ thời điểm cá nhân, hộ gia đình, pháp nhân Việt Nam được HTX chấp thuận gia nhập và tiến hành góp vốn vào HTX thì tư cách thành viên của chủ thể này được xác lập. Thành viên HTX không được góp vốn quá 20% vốn điều lệ của HTX.[1]

 Thời hạn, hình thức và mức góp vốn điều lệ theo quy định của điều lệ, nhưng thời hạn góp đủ vốn của thành viên không vượt quá 06 tháng, kể từ ngày HTX, liên hiệp HTX được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoặc kể từ ngày được kết nạp. Khi góp đủ vốn, thành viên được HTX cấp giấy chứng nhận vốn góp.

 Ngoài ra, cá nhân, hộ gia đình, pháp nhân có thể là thành viên của nhiều hợp tác xã; cũng như việc hợp tác xã có thể là thành viên của nhiều liên hiệp hợp tác xã trừ trường hợp điều lệ hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có quy định khác. Quy định này đã góp phần đảm bảo nguyên tắc tắc tự nguyện cho các thành viên khi tham gia HTX.

 1.2.       Điều kiện đối với từng loại thành viên HTX

  1. Đối với thành viên là cá nhân

 Ngoài những điều kiện chung đối với mọi loại thành viên HTX như đã nêu phía trên, theo Khoản 1 Điều 13 Luật Hợp tác xã 2012 thì cá nhân muốn trở thành thành viên hợp tác xã phải đáp ứng các yêu cầu sau: là công dân Việt Nam hoặc người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam, từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.

 Như vậy, quy định này vẫn giữ giới hạn về độ tuổi nhưng đã xoá bỏ giới hạn về quốc tịch đối với những người muốn gia nhập HTX. Do đó, để trở thành thành viên HTX thì cá nhân là công dân Việt Nam cần có đủ các điều kiện về tuổi tác (từ 18 tuổi trở lên), phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Đối với cá nhân là người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam thì có quy định chi tiết hơn tại Điều 4. Điều kiện trở thành thành viên của hợp tác xã đối với cá nhân là người nước ngoài của Nghị định 193/2013/NĐ-CP như sau:

 “Ngoài việc đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Khoản 1, Điều 13 Luật Hợp tác xã, cá nhân là người nước ngoài tham gia vào hợp tác xã ở Việt Nam phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

  1. Đang cư trú hợp pháp tại Việt Nam, từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật Việt Nam.
  2. Trường hợp tham gia hợp tác xã tạo việc làm thì phải thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật Việt Nam đối với lao động là người nước ngoài.
  3. Đối với hợp tác xã có ngành nghề kinh doanh hạn chế về tỷ lệ sở hữu vốn của người nước ngoài thì việc tham gia của người nước ngoài vào hợp tác xã phải tuân thủ các quy định của pháp luật đầu tư liên quan tới ngành nghề đó.
  4. Các điều kiện khác do điều lệ hợp tác xã quy định.”

 Việc mở rộng cơ bản đối tượng có thể trở thành thành viên của Hợp tác xã theo pháp luật hiện hành so với trước đây là hoàn toàn phù hợp nguyên tắc “kết nạp rộng rãi” của HTX, và phù hợp với thực tế xu hướng thị trường hàng hoá, lao động ngày càng đa dạng trong nền kinh tế hội nhập như hiện nay ở nước ta.

 Còn 2 loại cá nhân cũng có thể là đối tượng trở thành thành viên HTX đó là công chức và viên chức. Tuy nhiên, 2 đối tượng này luôn bị hạn chế và chịu sự quản lý nghiêm ngặt bởi các quy định của pháp luật về việc hạn chế quyền kinh doanh và tham gia vào các hoạt động sản xuất kinh doanh. Quy định này được quy định tại nhiều văn bản pháp luật khác nhau như Luật Hợp tác xã 2003, Luật Doanh nghiệp 2014, Luật phòng, chống tham nhũng 2005, Luật cán bộ, công chức 2008, Luật Viên chức 2010, …. Theo như quy định tại các văn bản đó, thì công chức và viên chức vẫn có thể tham gia vào HTX với vai trò góp vốn, chứ không được tham gia vào các hoạt động quản lý, điều hành.[2]

  1. Đối với thành viên là hộ gia đình

 Hộ gia đình có người đại diện hợp pháp theo quy định của Bộ luật dân sự cũng là đối tượng có thể trở thành thành viên của HTX. Theo các quy định tại Chương VI của Bộ luật dân sự 2015, mặc dù không đưa ra cụ thể khái niệm về Hộ gia đình, tuy nhiên qua đó có thể thấy Hộ gia đình khi tham gia vào các quan hệ pháp luật dân sự thì phải có 1 số đặc điểm đó là: có tài sản chung, cùng đóng góp công sức để tham gia hoạt động kinh tế, có người đại diện hợp pháp được gọi là chủ hộ (có thể là cha, mẹ, hoặc thành viên khác trong gia đình). Nếu hộ gia đình đáp ứng đầy đủ các đặc điểm nêu trên và các điều kiện chung như đã nêu ở phần trên thì hoàn toàn có thể gia nhập hợp tác xã với tư cách thành viên.

  1. Đối với thành viên là pháp nhân

 Pháp nhân là một tổ chức có đủ điều kiện được quy định tại Điều 74 Bộ luật dân sự 2015, được phép tham gia HTX khi đáp ứng thêm được các điều kiện được nêu tại Điều 3. Điều kiện trở thành thành viên của hợp tác xã đối với pháp nhân Việt Nam của Nghị định số 193/2013/NĐ-CP như sau:

 “1. Pháp nhân Việt Nam theo quy định của Bộ luật Dân sự có nhu cầu hợp tác với các thành viên khác và nhu cầu sử dụng sản phẩm, dịch vụ của HTX.

  1. Pháp nhân Việt Nam khi tham gia hợp tác xã phải có đơn tự nguyện gia nhập và tán thành điều lệ của hợp tác xã. Người ký đơn phải là người đại diện theo pháp luật của pháp nhân đó.
  2. Người đại diện của pháp nhân tại hợp tác xã là người đại diện hợp pháp (đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền) của pháp nhân đó.
  3. Góp vốn theo quy định tại Khoản 1 Điều 17 Luật Hợp tác xã và điều lệ hợp tác xã.
  4. Các điều kiện khác do điều lệ hợp tác xã quy định.”

 Như vậy, những pháp nhân Việt Nam đáp ứng đầy đủ những điều kiện trên thì hoàn toàn có thể tham gia vào HTX với tư cách thành viên giống như các đối tượng khác. Tuy nhiên, pháp nhân là các cơ quan nhà nước, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân thì không được sử dụng tài sản của Nhà nước và công quỹ để góp vốn vào hợp tác xã.

  1. Quyền và nghĩa vụ cơ bản của thành viên HTX

 Quyền và nghĩa vụ của thành viên HTX được quy định lần lượt tại Điều 14 và Điều 15 của Luật Hợp tác xã 2012. Vì các quy định này còn xen lẫn áp dụng đối với hợp tác xã thành viên (HTX là thành viên trong các liên hiệp HTX) nên để rõ ràng hơn thì có thể phân chia các quyền và nghĩa vụ đã được ghi nhận của thành viên HTX thành các nhóm như sau:

 –       Về việc sử dụng các sản phẩm, dịch vụ do HTX cung ứng

 Nhu cầu chung sử dụng các sản phẩm, dịch vụ của HTX là 1 trong các điều kiện cơ bản để trở thành thành viên của HTX, do đó vấn đề này cùng được quy định tại Khoản 1 Điều 14 và Khoản 1 Điều 15 để vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ của thành viên tham gia HTX. Khi đó, các thành viên HTX vừa có quyền sử dụng các sản phẩm, dịch vụ do HTX cung ứng theo hợp đồng dịch vụ, vừa có nghĩa vụ giữ vững những sự hỗ trợ giữa các thành viên và đảm bảo cho hoạt động của HTX.

 –       Về vấn đề góp vốn

 Thành viên HTX có nghĩa vụ góp vốn và đúng thời hạn số vốn đã cam kết góp, hạn góp vốn không quá 06 tháng kể từ ngày HTX được cấp giấy đăng ký hoặc kể từ ngày được kết nạp, khi góp đủ vốn thì được cấp giấy chứng nhận vốn góp.[3] Thành viên cũng có quyền được trả lại vốn góp khi ra khỏi HTX.[4]

 –       Về quản lý HTX

 Quyền tham gia quản lý của các thành viên HTX là bình đẳng. Thành viên được tham dự (hoặc bầu đại biểu tham dự) đại hội thành viên HTX, ứng cử hoặc đề cử các thành viên hội đồng quản trị, ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên và các chức danh khác được bầu của HTX, liên hiệp HTX. Việc thông qua các quyết định của HTX là dựa trên nguyên tắc đa số thành viên biểu quyết (tỷ lệ cụ thể theo quy định tại Điều 34 Luật Hợp tác xã và điều lệ của HTX). Mỗi thành viên HTX hoặc đại biểu thành viên tham dự đại hội thành viên có một phiếu biểu quyết. Phiếu biểu quyết có giá trị ngang nhau, không phụ thuộc vào số vốn góp hay chức vụ của thành viên HTX hoặc đại biểu thành viên.

 Ngoài ra, thành viên HTX có quyền kiến nghị, yêu cầu hội đồng quản trị, ban giám đốc (tổng giám đốc), ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên giải trình về hoạt động của HTX, liên hiệp hợp tác xã; yêu cầu hội đồng quản trị, ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên triệu tập đại hội thành viên bất thường theo quy định của Luật HTX và điều lệ.[5]

 –       Về việc phân phối thu nhập

 Thành viên HTX được phân phối thu nhập chủ yếu theo mức độ sản phẩm, dịch vụ của thành viên hoặc công sức lao động đóng góp của thành viên đối với HTX tạo việc làm; phần còn lại mới được chia theo tỷ lệ vốn góp (tỷ lệ cụ thể do Điều lệ quy định).[6]

 Như vậy, để có quyền được phân phối thu nhập, các thành viên có nghĩa vụ phải đóng góp sức lao động của mình vào hoạt động chung của HTX nên vấn đề này vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ của các thành viên.

 –       Về trách nhiệm tài sản

 Thành viên HTX có nghĩa vụ chịu trách nhiệm về các khoản nợ, nghĩa vụ tài chính của HTX, liên hiệp HTX trong phạm vi vốn góp vào HTX, liên hiệp HTX.[7]

 –       Một số quyền và nghĩa vụ khác

 Ngoài các quyền và nghĩa vụ nêu trên, thành viên HTX còn được thông tin về hoạt động của HTX, được đào tạo, bồi dưỡng, được hỗ trợ nâng cao trình độ chuyên môn, được chia giá trị tài sản được chia còn lại của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, …

 Đồng thời, thành viên HTX cũng phải tuân thủ chặt chữ các quy định tại điều lệ, quy chế của HTX mà mình là thành viên.

  1. Chấm dứt tư cách thành viên HTX

 Chấm dứt tư cách thành viên HTX là việc chấm dứt mối quan hệ giữa một thành viên và HTX, đồng thời chấm dứt mọi quyền và nghĩa vụ đối với cả hai bên. Tại Khoản 1 Điều 16 Luật HTX 2012 có quy định 07 trường hợp làm chấm dứt tư cách thành viên HTX, cụ thể như sau:

 Thứ nhất, thành viên là cá nhân chết, bị Toà án tuyên bố là đã chết, mất tích, bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị kết án phạt tù theo quy định của pháp luật.

 Trong trường hợp này, nếu thành viên là cá nhân chết thì người thừa kế nếu đáp ứng đủ điều kiện theo quy định và Điều lệ, tự nguyện tham gia HTX thì trở thành thành viên và tiếp tục thực hiện các quyền, nghĩa vụ của thành viên; nếu không tham gia HTX thì đươc hưởng thừa kế theo quy định của pháp luật. Nếu thành viên là cá nhân bị Toà án tuyên bố mất tích, việc trả lại vốn góp và quản lý taì sản của người mất tích được thực hiện theo quy định của pháp luật. Vốn góp của thành viên là cá nhân không có người thừa kế, người thừa kế từ chối nhận thừa kế hoặc bị truất quyền thừa kế thì vốn góp được giải quyết theo quy định của pháp luật. Nếu người thừa kế tự nguyện để lại tài sản thừa kế cho HTX thì vốn góp đó được đưa vào tài sản không chia của HTX.

 Thứ hai, thành viên là hộ gia đình không có người đại diện hợp pháp theo quy định của pháp luật; thành viên là pháp nhân bị giải thể, phá sản.

 Hộ gia đình muốn tham gia vào HTX mà không có người đại diện hợp pháp thì đương nhiên sẽ không đủ điều kiện cơ bản để gia nhập HTX, điều này cũng phù hợp với quy định về hộ gia đình khi tham gia vào quan hệ pháp luật dân sự của Bộ luật dân sự. Còn đối với thành viên là pháp nhân mà bị chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, giải thể, phá sản thì đương nhiên đối tượng là thành viên HTX trước đó cũng không còn nữa, việc trả lại, kế thừa vốn góp được thực hiện theo quy định của pháp luật.

 Thứ ba, hợp tác xã bị giải thể, phá sản.

 Cá nhân, pháp nhân và hộ gia đình chỉ có thể tham gia HTX với tư cách thành viên khi HTX còn tồn tại và hoạt động, khi HTX không còn nữa thì đương nhiên tư cách thành viên cũng không còn.

 Ở trường hợp này, theo các quy định của Luật HTX thì sau khi thanh toán xong các chi phí theo quy định, khoản nợ và nghĩa vụ tài chính, giá trị tài sản còn lại được hoàn trả cho thành viên theo tỷ lệ vốn góp trên tổng số vốn điều lệ. Điều này là hoàn toàn hợp lý và bình đẳng.

 Thứ tư, thành viên tự nguyện ra khỏi HTX.

 Các đối tượng có thể trở thành thành viên HTX khi gia nhập HTX là hoàn toàn tự nguyện, do đó họ cũng có thể tự nguyện ra khỏi HTX dựa trên mong muốn và nhu cầu cá nhân của mình. Khi chấm dứt tư cách thành viên và ra khỏi HTX, họ sẽ được trả lại phần vốn đã góp.

 Thứ năm, thành viên bị khai trừ theo quy định của điều lệ.

 Thành viên bị chấm dứt tư cách thành viên trong trường hợp này khi có những vi phạm pháp luật hoặc vi phạm điều lệ nghiêm trọng dẫn đến việc bị khai trừ khỏi HTX. Khi đó, thành viên HTX bị khai trừ vẫn được trả lại phần vốn đã góp và giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền và nghĩa vụ theo quy định.

 Thứ sáu, thành viên không sử dụng sản phẩm, dịch vụ trong thời gian liên tục quy định của điều lệ nhưng không quá 03 năm. Đối với HTX tạo việc làm, thành viên không làm việc trong thời gian liên tục theo quy định của điều lệ nhưng không quá 02 năm.

 Theo Luật HTX 2012 thì HTX không còn hoạt động theo mô hình doanh nghiệp như quy định của Luật HTX 2003 trước đây, do đó việc sử dụng sản phẩm, dịch vụ do HTX cung ứng và lao động trong HTX tạo việc làm vừa là quyền vừa là nghĩa vụ của thành viên HTX mới được đưa lên hàng đầu. Khi các thành viên không tuân thủ các nghĩa vụ đó và thực hiện quyền của mình thì đương nhiên sẽ bị mất tư cách thành viên HTX.

 Thứ bảy, tại thời điểm cam kết góp đủ vốn, thành viên không góp vốn hoặc góp vốn thấp hơn vốn góp tối thiểu quy định trong điều lệ.

 Để tham gia một tổ chức kinh tế độc lập như HTX thì nghĩa vụ của các thành viên là phải góp vốn và góp vốn đủ, đúng hạn. Nếu không thực hiện nghĩa vụ đó thì dù đã cam kết góp vốn, thành viên vẫn bị chấm dứt tư cách thành viên theo quy định.

 Ngoài ra, điều lệ HTX cũng có thể quy định thêm những trường hợp làm chấm dứt tư cách thành viên khác.