Sở hữu xét về mặt pháp lý

 Quyền sở hữu là quyền của duy nhất của chủ sở hữu đối với tài sản; quyền sở hữu là quyền tổng hợp của các quyền năng cụ thế đối với tài sản, đó là quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt. Quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của luật.

 Quyền chiến hữu

 Theo xác nhận tại Điều 186 Bộ luật dân sự năm 2015 thì quyền chiếm hữu là quyền năng của chủ sở hữu được thực hiện mọi hành vi theo ý chí của mình, nắm giữ, chi phối tài sản thuộc sở hữu nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.

 Trong thực tế, chủ sở hữu thường tự mình bàng các hành vi của bản thân để thực hiện quyền chiếm hữu tài sản, hay còn gọi là quyền chiếm hữu thực tế. Trong một số trường hợp, chủ sở hữu chuyển quyền này cho người khác thông qua một hợp đồng dân sự thì chủ sở hữu vẫn thực hiện quyền kiểm soát đối với tài sản, người thực tế nắm giữ vật thay mặt chủ sở hữu chiếm hữu tài sản (chủ sở hữu gián tiếp), hay nói cách khác là người thực tế chiếm hữu vật thồng qua giao dịch có quyền chiếm hữu theo nội dung giao dịch đã xác lập (khoản 1 Điều 188).

 Quyền chiếm hữu của chủ sở hữu chỉ chấm dứt khi chủ sở hữu từ bỏ quyền sở hữu của mình hoặc chuyển giao quyền sở hữu cho chủ thể khác như bán, trao đổi, tặng cho v.v. hoặc theo các căn cứ được quy định từ Điều 242 đến Điều 244 Bộ luật dân sự năm 2015.

 Trong đòi sống thường ngày xảy ra trường hợp có những người không phải là chủ sở hữu nhưng vẫn chiếm hữu tài sản đó. Điều 179 BLDS năm 2015 đã quy định chiếm hữu không chỉ được hiểu là một quyền năng thuộc quyền sở hữu mà là việc chủ thể nắm giữ, chi phối tài sản một cách trực tiếp hoặc gián tiếp như chủ thể có quyền đối với tài sản. Do đó, căn cứ vào chủ thể chiếm hữu có thể phân thành hai loại là chiếm hữu của chủ sở hữu và chiếm hữu của người không phải là chủ sở hữu. Việc chiếm hữu của người không phải là chủ sở hữu không thể là căn cứ xác lập quyền sở hữu, trừ một số trường hợp được pháp luật quy định như đối với tài sản bị chôn giấu, bị vùi lấp, bị chìm đắm, tài sản bị người khác đánh rơi, bỏ quên…

 Quyền sử dụng

 Dùng và thu hoa lợi, lợi tức – Điều 192 BLDS quy định: “quyền sử dụng là quyền khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản.”. Như vậy, với tư cách là một trong những nội dung của quyền sở hữu, quyền sử dụng bao gồm quyền khai thác công dụng của tài sản và quyền thu nhận hoa lợi, lợi tức từ tài sản. “Khai thác công dụng” nghĩa là chủ sở hữu tự mình thụ hưởng các lợi ích vật chất từ một tài sản không sinh lợi hoặc không được khai thác về phương diện kinh tế. “Thu nhận hoa lợi, lợi tức từ tài sản” được hiểu là việc chủ sở hữu được thụ hưởng những kết quả từ khai thác sự sinh lợi của tài sản mà vẫn bảo tồn chất liệu của tài sản. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, hai quyền này không nhất thiết phải tồn tại song song trên cùng một tài sản.

 Chủ sở hữu có quyền quyết định phương thức sử dụng tài sản (dùng hay không dùng tài sản) cũng như cách thức thu hoa lợi, lợi tức (trực tiếp khai thác hoa lợi, tự nhiên của tài sản, hoặc để cho người khác khai thác thông qua một hợp đồng cho thuê, cho mượn). Tài sản có thể được sử dụng hoặc được khai thác trực tiếp bằng chính chủ sở hữu hoặc bởi một người khác không phải là chủ sở hữu (khi được chủ sở hữu chuyển giao quyền sử dụng hoặc do pháp luật quy định).

 Hạn chế quyền sử dụng – Điều 193 BLDS quy định: “Chủ sở hữu có quyền khai thác công dụng của tài sản, hưởng hoa lợi lợi tức từ tài sản theo ý chí của mình nhưng không được gây thiệt hại và làm ảnh hưởng đến lợi ích Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.”. Đây là nguyên tắc chung mà luật viết đã dự liệu để hạn chế quyền sử dụng chủ động, ngăn ngừa sự lạm dụng. Ngoài ra, pháp luật còn có những quy định hạn chế quyền sử dụng thụ động trong một số trường hợp đặc thù khác đã được thừa nhận trên thực tế.

 Quyền định đoạt

 Định đoạt vật chất và định đoạt pháp lý – Theo Điều 195 BLDS “Quyền định đoạt là quyền chuyển giao quyền sở hữu tài sản hoặc từ bỏ quyền sở hữu đó.”. Ngoài ra, chủ sở hữu còn có thể định đoạt tài sản bằng cách chấm dứt sự tồn tại vật chất của tài sản. Như vậy, chủ sở hữu có quyền quyết định số phận của tài sản về phương diện vật chất (tiêu dùng, thiêu hủy, chuyển hóa thành một hình thức tồn tại khác…), hoặc về phương diện pháp lý (chuyển nhượng, tặng cho, trao đổi, góp vốn kinh doanh…). Cũng như quyền sử dụng, quyền định đoạt của chủ sở hữu có thể do chính chủ sở hữu hoặc do một người khác thực hiện Mọi trường hợp định đoạt tài sản ngoài khuôn khổ giới hạn của quyền tự định đoạt của chủ sở hữu cũng như định đoạt tài sản thuộc sở hữu của người khác đều bị xem là những giao dịch vô hiệu. Cũng có trường hợp, tài sản được chuyển quyền sở hữu không phải do hiệu lực của việc thực hiện quyền tự định đoạt của chủ sở hữu, mà do pháp luật quy định (như trong các trường hợp trưng mua, trưng dụng vì mục đích an ninh quốc phòng, giải tỏa có đền bù để thực hiện quy hoạch đô thị…).

 Hạn chế quyền định đoạt – Quyền định đoạt có thể bị hạn chế trong những trường hợp có sự xung đột giữa lợi ích của chủ sở hữu với lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng hoặc quyền và lợi ích của người khác mà việc bảo vệ những quyền lợi này hoàn toàn cần thiết và hợp lý. Luật viết quy định nhiều cách thức hạn chế quyền định đoạt khác nhau, như:

  – Quyền định đoạt số phận pháp lý của một tài sản bị Nhà nước cấm hoặc hạn chế một cách trực tiếp bằng các quy định của pháp luật. Ví dụ, cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết không được chuyển nhượng cổ phần đó cho người khác.

 – Quyền định đoạt số phận pháp lý của tài sản được Nhà nước hạn chế và kiểm soát một cách gián tiếp thông qua vai trò của một tổ chức hay một cá nhân.

 Tag: sở hữu xét về mặt pháp lý là