Sự kiện pháp lý là gì

 Sự kiện pháp lý là gì

 Khái niệm sự kiện pháp lý: Sự kiện pháp lý là sự việc nảy sinh trong cuộc sống làm phát sinh, thay đổi và chấm dứt một quan hệ pháp luật theo nghiên cứu của nhiều học giả. Quan hệ pháp luật là các quan hệ xã hội được điều chỉnh bởi các quy phạm pháp luật khác nhau.

 Sự kiện pháp lý hành chính là gì

 Là những sự kiện thực tế mà việc xuất hiện, thay đổi hay chấm dứt chúng được pháp luật hành chính gắn với việc làm phát sinh, thay đổi hoặc làm chấm dứt các quan hệ pháp luật hành chính.

 Ví dụ về sự kiện pháp lý

 Hai bên nam nữ đăng ký kết hôn làm phát sinh quan hệ vợ chồng.

 Phân loại sự kiện pháp lý

 Căn cứ vào vào mối liên hệ giữa sự kiện thực tế xảy ra với ý chí của thể tham gia quan hệ pháp luật:

 Sự kiện pháp lý được chia thành hai loại: sự biến và hành vi.

 – Sự biến

 Là những sự kiện pháp lí xảy ra và hậu quả của nó nằm ngoài ý chí của chủ thể quan hệ pháp luật. Đó là những hiện tượng tự nhiên như thiên tai, chiến tranh, dịch bệnh, sinh tử,… mà sự xuất hiện của chúng đã làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ pháp lý của các chủ thể theo quy định pháp luật.

 Ngoài ra, sự biến còn phải gắn liền với đời sống con người và dẫn tới hậu quả pháp lý mới được coi là sự biến. Những hiện tượng tự nhiên như thiên tai, bão lũ xảy ra ở nơi hoang vắng không có người ở, thì chỉ là sự kiện thông thường, không được coi là sự kiện pháp lý. Những hiện tượng tự nhiên như mưa, gió, nhật thực, nguyệt thực, hoa quả đâm chồi nảy lộc vào mùa xuân,….cũng không phải là sự kiện pháp lí vì chúng là quá trình phát triển thông thường của tự nhiên, không gắn với cuộc sống của con người và không dẫn tới hậu quả pháp lý nào.

 Sự biến pháp lý bao gồm hai loại là sự biến tuyệt đối và sự biến tương đối.

 + Sự biến tuyệt đối là sự kiện vốn là kết quả của một hiện tượng tự nhiên nhưng làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quan hệ pháp luật.

 + Sự biến tương đối là sự kiện vốn là kết quả của một sự việc hoặc hành vi xảy ra trong thực tế nhưng làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quan hệ pháp luật.

 – Hành vi

 Là sự kiện pháp lí xảy ra do ý chí của chủ thể quan hệ pháp luật, được thể hiện dưới dạng hành động hoặc không hành động.

 Tuy nhiên, hành vi đó phải do chính chủ thể có đầy đủ nhận thức thực hiện dẫn tới các hậu quả pháp lý theo quy định của pháp luật. Ngược lại, hành vi do những người mất khả năng nhận thức, hạn chế về nhận thức thực hiện không được coi là sự kiện pháp lý mà chỉ là sự biến pháp lý do họ không nhận thức, làm chủ được hành vi của mình nên họ không thể chịu trách nhiệm pháp lý cho những hậu quả do hành vi của mình gây ra.

 Căn cứ vào hậu quả pháp lý:

 Sự kiện pháp lý được chia thành ba loại:

 – Sự kiện pháp lý làm phát sinh quan hệ pháp luật

 VD: Việc kết hôn dẫn đến hình thành quan hệ hôn nhân.

 – Sự kiện pháp lý làm thay đổi quan hệ pháp luật

 VD: Việc sáp nhập doanh nghiệp A và doanh nghiệp B có thể làm thay đổi chủ thể và cả một số nội dung của quan hệ hợp đồng còn dang dở mà bên A đã ký kết và đã chuyển giao cho B tiếp tục thực hiện.

 – Sự kiện pháp lý làm chấm dứt quan hệ pháp luật

 VD: Sự kiện người chết làm chấm dứt quan hệ hôn nhân gia đình, quan hệ xã hội, quan hệ lao động,… của công dân đó với nhà nước và xã hội.

 Tuy nhiên, cách phân loại này chỉ có tính chất tương đối vì cùng một sự kiện pháp lý có thể làm phát sinh quan hệ pháp luật này nhưng lại làm thay đổi hoặc chấm dứt quan hệ pháp luật khác.

 VD: Sự kiện người chết làm chấm dứt các quan hệ pháp luật của công dân nhưng đồng thời cũng làm phát sinh quan hệ thừa kế.

 Căn cứ vào số lượng sự kiện thực tế tạo thành sự kiện pháp lý:

 Sự kiện pháp lý gồm hai loại: sự kiện pháp lý đơn nhất và sự kiện pháp lý phức hợp.

 – Sự kiện pháp lý đơn nhất

 Là sự kiện chỉ bao gồm một sự kiện thực tế mà pháp luật gắn sự kiện thực tế này với việc làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quan hệ pháp luật.

 Ví dụ: A đưa xe vào bãi giữ xe và nhận vé giữ xe, đó là một sự kiện pháp lý làm phát sinh quan hệ hợp đồng gửi giữ giữa A với người giữ xe và là sự kiện pháp lý đơn nhất.

 – Sự kiện pháp lý phức hợp

 Là sự kiện bao gồm nhiều sự kiện thực tế mà nếu thiếu đi một trong các sự kiện cấu thành tập hợp đó thì quan hệ pháp luật không thể phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt.

 Ví dụ: Quan hệ nghỉ hưu của người lao động chỉ phát sinh khi họ có đủ các điều kiện về độ tuổi, số năm đóng bảo hiểm và quyết định cho nghỉ hưu của chủ thể có thẩm quyền…

 Bài tập xác định sự kiện pháp lý

 A (nam 20 tuổi), B (nữ 18 tuổi) có quan hệ yêu đương với nhau. Khi B phát hiện A nghiện ma túy, B quyết định chia tay A. A sau nhiều lần hứa hẹn bỏ ma túy và thuyết phục B hàn gắn quan hệ nhưng không thành, hai bên trở lên mâu thuẫn, A nảy sinh ý định tạt axit vào B. Vào khoảng 22h 12/10/2012, A mang 1 ca axit khoảng 1lít đến nhà B để thực hiện. C là em B mở cửa do nhầm lẫn nên A tạt axit vào C, gây bỏng nặng với tỷ lệ thương tật 43%.

 Hãy xác định các sự kiện pháp ly trong tình huống trên và chỉ ra những quan hệ pháp luật phát sinh từ những sự kiện pháp lý đó.