Thủ tục xin giấy phép kinh doanh spa

 Hoạt động của các spa chủ yếu là các hoạt động như chăm sóc da, phun xăm thẩm mỹ, xoa bóp ( massage )…Vậy mở spa có cần giấy phép kinh doanh không hãy tham khảo bài viết dưới đây của Luật DeHa.

 Mở spa cần giấy phép gì / mở spa nhỏ có cần giấy phép ?

 Trường hợp mở spa nhỏ thì spa có thể đăng ký dưới hình thức hộ kinh doanh. Trường hợp kinh doanh spa quy mô lớn thì đăng ký thành lập công ty có ngành nghề về spa.

 Nghị định 155/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý quản lý nhà nước của Bộ Y tế, trong đó có bãi bỏ Điều 37 và Điều 38 của Nghị định 109/2016/NĐ-CP.

 Khoản 5 Điều 3 Nghị định 96/2016/NĐ-CP quy định : “Kinh doanh dịch vụ xoa bóp, gồm: Sử dụng phương pháp vật lý trị liệu để xoa bóp (massage), tẩm quất phục vụ sức khỏe con người”  là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự.

 Do đó, khi kinh spa sẽ cần những loại giấy phép sau:

  • Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh/ doanh nghiệp
  • Giấy chứng nhận đủ điều kiện an ninh, trật tự

 Thủ tục xin giấy phép kinh doanh spa 

 Thứ nhất, đăng ký kinh doanh spa

 Trường hợp đăng ký spa theo hình thức hộ kinh doanh

 Hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh gồm:

  • Đơn đề nghị đăng ký hộ kinh doanh
  • Danh sách cá nhân góp vốn thành lập hộ kinh doanh
  • Bản sao giấy tờ pháp lý cá nhân của chủ hộ kinh doanh

 Chủ hộ kinh doanh spa nộp hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh tới UBND cấp huyện nơi hộ kinh doanh có trụ sở. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ cấp giấy chứng nhận hộ kinh doanh.

 Trường hợp thành lập công ty kinh doanh spa

 Tùy từng loại hình doanh nghiệp mà hồ sơ thành lập doanh nghiệp tương ứng, thông thường hồ sơ thành lập doanh nghiệp gồm:

  • Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp
  • Điều lệ công ty
  • Danh sách thành viên/ cổ đông
  • Bản sao giấy tờ pháp lý cá nhân của thành viên/ cổ đông công ty

 Hồ sơ thành lập công ty được nộp tới phòng đăng ký kinh doanh – sở kế hoạch và đầu tư nơi doanh nghiệp có trụ sở.Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

 Thứ hai, cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự 

 Thành phần hồ sơ (Điều 19 Nghị định 96/2016/NĐ-CP):

  • Văn bản đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự của cơ sở kinh doanh;
  • Bản sao hợp lệ một trong các loại văn bản sau đây:

 + Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;

 + Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;

 + Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;

 + Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của chi nhánh, đơn vị trực thuộc doanh nghiệp;

 + Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;

 + Giấy chứng nhận đăng ký chi nhánh, địa điểm kinh doanh của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;

 + Giấy phép hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam;

 + Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh;

 + Văn bản thành lập hoặc cho phép hoạt động kèm theo văn bản thông báo mã số thuế đối với đơn vị sự nghiệp có thu;

 – Trường hợp trong các văn bản trên không thể hiện ngành, nghề đầu tư kinh doanh thì cơ sở kinh doanh phải bổ sung tài liệu chứng minh các ngành, nghề đầu tư kinh doanh mà cơ sở kinh doanh hoạt động.

 Đồng thời, đề nghị ghi trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện an ninh, trật tự đã được cơ quan đăng ký kinh doanh hoặc cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.

 Cơ quan có thẩm quyền: Công an cấp huyện thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (điểm a khoản 3 Điều 24 Nghị định 96/2016/NĐ-CP);

 Thời hạn: Không quá 05 ngày làm việc (khoản 3 Điều 23 Nghị định 96/2016/NĐ-CP).