Cải cách tư pháp là gì

Cải cách tư pháp là gì

 Cải cách tư pháp là quá trình cải cách hệ thống tư pháp nhằm cải thiện xã hội. Nó nhằm mục đích nâng cao hiệu quả tư duy lý luận và tư duy thực tiễn của các tòa án và đảm bảo rằng công lý được phục vụ cho mỗi cá nhân.

 Trong quá trình lãnh đạo nhà nước, cải cách tư pháp là nhiệm vụ quan trọng được Đảng ta đề ra cùng với nhiệm vụ cải cách công tác lập pháp và cải cách hành chính nhằm thực hiện chủ trương lớn là “thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước”. Qua các kỳ Đại hội (từ Đại hội lần thứ VI, đến Đại hội lần thứ XII) và gần đây là Đại hội lần thứ XIII, Đảng ta tiếp tục nhấn mạnh chủ trương tiếp tục cải cách tư pháp và và đề cao việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng(1). Qua 15 năm thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp, nền tư pháp Việt Nam đã có nhiều khởi sắc hướng đến hoàn thành mục tiêu bảo đảm “Xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam XHCN; hoạt động tư pháp mà trọng tâm là hoạt động xét xử được tiến hành có hiệu quả và hiệu lực cao”, “các cơ quan tư pháp phải thật sự là chỗ dựa của nhân dân trong việc bảo vệ công lý, quyền con người, đồng thời, phải là công cụ hữu hiệu bảo vệ pháp luật và pháp chế XHCN, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm và vi phạm”. Tuy nhiên, việc triển khai các chủ trương, đường lối của Đảng về cải cách tư pháp vẫn còn có một số hạn chế cần phải khắc phục trong giai đoạn tới.

Cải cách tư pháp ở việt nam hiện nay

 Từ khi đổi mới đến nay, đặc biệt sau khi Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Cải cách tư pháp đến năm 2020 được ban hành, có nhiều công trình nghiên cứu khoa học thuộc các cấp khác nhau về tư pháp, cải cách tư pháp được tổ chức thực hiện. Các công trình nghiên cứu khoa học đó đã làm sáng tỏ những vấn đề lý luận và thực tiễn cơ bản, cấp bách về tư pháp, cải cách tư pháp, làm nền tảng cho đổi mới nhận thức về tư pháp, cải cách tư pháp. Từng bước hình thành nên một hệ thống kiến thức lịch sử, lý luận về quyền tư pháp như: Lịch sử phát triển quyền tư pháp, khái niệm, bản chất, đặc điểm, nội dung, phương thức, các loại tư pháp, hệ thống tư pháp và một số vấn đề khác.

 Đặc biệt, các công trình nghiên cứu đã luận giải quyền tư pháp cần phải được tách ra với tư cách là một bộ phận, nhánh, lĩnh vực quyền lực độc lập trong cơ chế quyền lực nhà nước, lập luận vị trí trung tâm của tòa án và xét xử là hoạt động trọng tâm trong thực hiện quyền tư pháp, xác định nhiệm vụ của tòa án là bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, quan điểm chuyển viện kiểm sát thành viện công tố, tăng cường trách nhiệm của công tố trong hoạt động điều tra, giao Bộ Tư pháp giúp Chính phủ thống nhất quản lý thi hành án. Những luận điểm đó làm nền tảng lý luận cho việc xây dựng các chủ trương về cải cách tư pháp, cho việc xây dựng Hiến pháp và các đạo luật quan trọng khác và được ghi nhận trong các văn kiện của Đảng, được hiến định và thể chế hóa trong các đạo luật của Nhà nước. Đó là Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) (1), Hiến pháp Việt Nam (Hiến pháp năm 1992 và Hiến pháp năm 2013) (2), Luật Tổ chức TAND, Luật Tổ chức VKSND và các chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 (3). Có thể nói, nghiên cứu lý luận về tư pháp, về cải cách tư pháp ở nước ta thời gian qua đã cung cấp các luận cứ khoa học cho việc hoạch định và tổ chức thực hiện các chủ trương về cải cách tư pháp, cho việc hiến định và thể chế hoá bằng pháp luật các chủ trương của Đảng về phân công, phối hợp, kiểm soát quyền lực nhà nước, về bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.