Hạ tầng thay đổi cuộc sống ở thành phố mới Bình Dương

 Từ vùng đất hoang vắng, chủ yếu đầm lầy, sau hơn một thập kỷ “lột xác” thành đô thị hiện đại, khang trang, quy tụ đông đảo cư dân sinh sống.

 Hơn 15 năm trước, cánh đồng Bàu Bèo – nơi xây dựng thành phố mới Bình Dương vẫn là vùng đất hoang vắng. Đất rộng nhưng lượng cư dân sinh sống thưa thớt, thiếu những tiện ích sống cơ bản. Tuy nhiên, giờ đây, vùng đất đầm lầy và cỏ dại ngày nào đã lột xác thành đô thị khang trang với hạ tầng giao thông đồng bộ, các khu khu thương mại – dịch vụ sầm uất.

 Tháng 4/2010, thành phố mới Bình Dương khởi công xây dựng với quy mô 1.000 ha gồm 7 phân khu: trung tâm hành chính; khu công viên công nghệ kỹ thuật cao; khu tài chính ngân hàng, chứng khoán; khu văn phòng khách sạn. Bên cạnh đó là trung tâm hội nghị triển lãm, trường đại học và các khu phục vụ cộng đồng như quảng trường, công viên, nhà trẻ, bệnh viện…

 Sau hơn 10 năm xây dựng, diện mạo của một thành phố hiện đại dần hình thành. Từ hạ tầng điện, nước đến thông tin liên lạc được đầu tư đồng bộ; hệ thống chiếu sáng ngầm hóa; các trục đường đều có hệ thống chiếu sáng. Nhà máy nước được đầu tư để cung cấp cho toàn bộ dân cư sinh sống và làm việc tại đây.

 

 Cuối tuần, những điểm vui chơi ở TP mới Bình Dương ngày càng đông đúc. Trong đó, công viên trung tâm thành phố mới là điểm đến yêu thích của cư dân nơi đây và các vùng lân cận. Công viên có quy mô 75ha với hệ hệ thống cây xanh, vườn hoa hồ nước được thiết kế khoa học, chăm sóc chu đáo, tạo thành điểm giải trí độc đáo. Cách đó không xa là trung tâm văn hóa giải trí, trung tâm thể dục, thể thao quy mô, hiện đại, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của cư dân và tổ chức các sự kiện thể dục, thể thao lớn của tỉnh Bình Dương.

 Muốn thưởng thức các món ăn ngon, cư dân có thể đến khu ẩm thực cách công viên không xa. Nơi đây có đủ món ăn truyền thống Việt Nam và các nước như Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc, đáp ứng nhu cầu của nhóm chuyên gia nước ngoài đang sống ở Bình Dương. Bên cạnh ẩm thực đặc sắc, nơi đây còn tổ chức các lễ hội giao lưu văn hóa, là cơ hội để các bạn trẻ vui chơi, tìm hiểu và định hướng nghề nghiệp.

 Hệ thống giáo dục tại thành phố mới đều theo tiêu chuẩn quốc tế với đa dạng cấp học từ mầm non, mẫu giáo đến các trường đại học như trường Ngô Thời Nhiệm, trường Nguyễn Khuyến, trường Quốc tế Singapore, trường Đại học Quốc tế Miền Đông…

 Về thương mại – dịch vụ, thành phố cũng đưa vào sử dụng nhiều công trình quan trọng như khách sạn Becamex, các nhà hàng Nhật, siêu thị mini, hệ thống y tế với Bệnh viện Vạn Phúc. Bình Dương đang đầu tư xây dựng khu quy hoạch các bệnh viện tại phường Định Hòa, TP Thủ Dầu Một, cách thành phố mới Bình Dương khoảng 5 km…

 Sinh ra và lớn lên ở TP Thủ Dầu Một, ông Nguyễn Văn Tín (50 tuổi) chứng kiến quê hương thay da đổi thịt hàng ngày. Từ gia đình thuần nông, thu nhập hàng năm chỉ vài triệu đồng, gia đình ông có cuộc sống khá giả hơn sau khi thành phố mới hình thành. “Nhờ chủ trương của tỉnh, gia đình tôi có việc làm và thu nhập ổn định. Con cháu được sống trong môi trường tốt hơn”, ông nói.

 Vợ chồng anh Ngọc Trọng – chị Hồng Huệ cũng quyết định chuyển từ Bình Phước về thành phố mới Bình Dương an cư với mong muốn mang lại tương lai tốt đẹp cho các con. Điều khiến anh chị hài lòng nhất là môi trường sống xanh, trong lành đi kèm hệ thống tiện ích đa dạng, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân.

 “Thành phố mới Bình Dương có đầy đủ siêu thị, nhà hàng, quán ăn, các khu vui chơi, giải trí nên gia đình tôi không phải đi đâu xa. Ở đây các con tôi có điều kiện học hành và có cơ hội trong tương lai”, chị Huệ chia sẻ.

 Giống như ông Tín, chị Huệ, cuộc sống của hàng chục nghìn hộ dân nơi đây cũng đang thay đổi từng ngày. Từ vùng đất thuần nông, người dân đang chuyển đổi ngành nghề, phát triển mạnh thương mại – dịch vụ, nhất là loại hình dịch vụ cho thuê nhà trọ.

 Nguồn: https://vnexpress.net/ha-tang-thay-doi-cuoc-song-o-thanh-pho-moi-binh-duong-4196956.html

  

  

  

  

  

  

  

 Tag: 3 tân