Nâng khống giá kit xét nghiệm: Có thể xử kịch khung nếu nhận 30 tỷ đồng

 VOV.VN – Hành vi trục lợi trong hoạt động đấu thầu thiết bị y tế tại Trung tâm CDC Hải Dương là hành vi đáng lên án, táng tận lương tâm. Các đối tượng có thể bị xử lý nghiêm khắc, kịch khung.

 Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa khởi tố vụ án vi phạm quy định về đấu thầu, nâng khống giá kit xét nghiệm COVID-19 xảy ra tại Công ty Việt Á, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật CDC Hải Dương và các đơn vị, địa phương liên quan; Khởi tố 7 bị can, trong đó có Phan Quốc Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Á và Phạm Duy Tuyến, Giám đốc CDC Hải Dương.

 Có thể bị xử kịch khung nếu nhận 30 tỷ đồng

 Nêu quan điểm về vụ việc, luật sư Nguyễn Đức Hùng – Công ty luật TNHH TGS (đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng, hành vi của các đối tượng này không chỉ vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật mà còn gây bức xúc, phẫn nộ trong dư luận với những người đứng đầu, phụ trách công tác chống dịch của địa phương.

 Riêng đối với Giám đốc CDC Hải Dương, luật sư Hùng cho rằng, đối tượng này đã vi phạm quy định tại Điều 222 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017) về Tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng với tình tiết định khung tăng nặng là lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội (điểm c, Khoản 2 Điều 222 Bộ luật Hình sự 2015). Bên cạnh đó, việc lợi dụng thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn để thực hiện hành vi phạm tội của Giám đốc CDC Hải Dương được quy định là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm l Khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017). Ngoài ra, các tình tiết phạm tội có tổ chức và lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội cũng là các tình tiết được quy định để tăng nặng trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm a, điểm c Khoản 1 Điều 52 Bộ luật này.

 Theo luật sư Hùng, bước đầu Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã xác định số tiền chi phần trăm ngoài hợp đồng của Công ty Việt Á với Giám đốc CDC Hải Dương là gần 30 tỷ đồng. Số tiền hưởng lợi này là rất lớn và trường hợp cơ quan điều tra xác định được việc đưa nhận tiền trong những tình huống này có dấu hiệu thoả mãn cấu thành Tội đưa hối lộ Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017)  và Tội nhận hối lộ theo Điều 354 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017) thì Giám đốc CDC Hải Dương có thể bị truy cứu thêm về Tội nhận hối lộ trong vụ việc này với mức xử lý nghiêm khắc.

 Phân tích vấn đề này, luật sư Diệp Năng Bình, văn phòng luật Tinh Thông luật cũng cho rằng, hành vi trục lợi trong hoạt động đấu thầu thiết bị y tế tại Trung tâm CDC Hải Dương theo như thông tin từ phía cơ quan điều tra là hành vi đáng lên án táng tận lương tâm. Các đối tượng có thể bị xử lý nghiêm khắc, kịch khung.

 Luật sư Bình cho biết thêm, trong vụ án có đồng phạm, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ vai trò đồng phạm, đối tượng nào là chủ mưu cầm đầu, đối tượng nào thực hành (trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội), đối tượng nào với vai trò giúp sức, xúi giục để phân hóa vai trò đồng phạm, làm cơ sở để tòa án giải quyết vụ án và có hình phạt phù hợp đối với từng đối tượng.

 Ngoài chế tài xử phạt nêu trên, Giám đốc CDC Hải Dương sẽ bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, theo quy định tại Khoản 4 Điều 222 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017).

 Ngoài ra, sau khi phạm tội, trường hợp Giám đốc CDC Hải Dương chưa được xóa án tích thì sẽ không được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Theo Khoản 3 Điều 16 Quy định 102-QĐ/TW, Đảng viên vi phạm về phòng, chống tham nhũng, lãng phí bị khai trừ khỏi Đảng trong trường hợp sau: “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tham mưu, thẩm định, phê duyệt, đấu thầu, chỉ định thầu hoặc quyết định đầu tư, cấp phép, quyết định tỷ lệ phần vốn của Nhà nước trong các doanh nghiệp nhằm trục lợi dưới mọi hình thức”.

 Nộp lại ít nhất ¾ tài sản tham ô thì có thể thoát án tử hình?

 Theo luật sư Diệp Năng Bình, trong trường hợp, cơ quan chức năng xác định được số tiền 30 tỷ đồng đó là tiền hối lộ, Giám đốc CDC Hải Dương nếu khắc phục hoàn toàn thì có thể không bị xử kịch khung. Luật sư Bình dẫn quy định tại Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự (BLHS) trong xét xử tội phạm tham nhũng và tội phạm khác về chức vụ, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/2/ 2021, người phạm tội tham ô tài sản nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, thì không áp dụng mức cao nhất của khung hình phạt. Ví dụ như hình phạt cao nhất của khung là tử hình thì sẽ không áp dụng hình phạt này.

 Luật sư Nguyễn Đức Hùng- Công ty luật TNHH TGS (đoàn luật sư thành phố Hà Nội) nhận định, số tiền chi cho Giám đốc CDC Hải Dương là đặc biệt lớn. Qua vụ việc này, có thể thấy, thực tiễn công tác quản lý trang thiết bị y tế hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp. Việc mua bán trang thiết bị y tế trở lên cấp bách và áp dụng các biện pháp rút gọn hơn thì nguy cơ phát sinh tiêu cực cũng sẽ cao hơn. Thời gian qua, có nhiều vụ án liên quan đến việc mua bán trang thiết bị y tế đã được cơ quan chức năng làm rõ.

 Để hạn chế những sai phạm trong lĩnh vực này, cơ quan có thẩm quyền cần sớm nghiên cứu, rà soát lại quy định pháp luật trong việc quản lý trang thiết bị y tế. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để đảm bảo sự minh bạch tài chính và thu chi, đặc biệt cần xử lý nghiêm minh nếu phát hiện ra sai phạm.

 “Trong thời điểm dịch bệnh đang nguy hiểm, đã có những sự việc xảy ra làm nhân dân mất niềm tin vào Đảng và Nhà nước. Vì vậy. cần phải có sự giám sát nghiêm khắc hơn không chỉ đối với Hải Dương mà là tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước….”luật sư Hùng nói.

 Bên cạnh đó, theo vị luật sự này, cũng cần siết lại các quy định về hệ thống cơ quan giám sát và tăng trách nhiệm của việc giám sát trong việc thu chi mua bán trang thiết bị y tế.

 Nguồn: https://vov.gov.vn/nang-khong-gia-kit-xet-nghiem-co-the-xu-kich-khung-neu-nhan-30-ty-dong-dtnew-336576

  

  

  

  

 Tag: gì mạnh