Thực trạng đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay

 Ở các nước phát triển, sở hữu trí tuệ được đánh giá là một loại tài sản quan trọng, có giá trị nhất đối với mỗi doanh nghiệp. Nhiều công ty, doanh nghiệp trên thế giới đã rất thành công và trở nên nổi tiếng nhờ khai thác hiệu quả quyền SHTT phải kể đến như: Coca Cola, Microsoft, IBM…với giá trị thương hiệu- tài sản SHTT lên tới hàng chục tỷ Đô la Mỹ. Vậy, quyền sở hữu trí tuệ có ý nghĩa như thế nào đối với doanh nghiệp? Theo đánh giá của PWC Việt Nam, tỷ trọng trung bình của giá trị tài sản vô hình trong tổng giá trị doanh nghiệp tại các doanh nghiệp trên thế giới năm 2016  là 53%, nhưng tỷ trọng này tại các doanh nghiệp Việt Nam chỉ đạt 26%… Vậy, thực trạng đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay như thế nào? Liệu còn khó khăn, vướng mắc gì trong việc xác lập, đăng ký, ứng dụng và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ hiện nay? Để một đối tượng quyền sở hữu trí tuệ được bảo hộ, doanh nghiệp cần tiến hành thủ tục gì? Để hiểu rõ vấn đề này, các bạn cần quan tâm đến cuộc trao đổi của Chương trình “Kinh doanh và Pháp luật” với Bà Nguyễn Thu Anh – Ủy ban Thường vụ Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam, Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Giám đốc Công ty Luật TNHH SB, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, Ông Lê Ngọc Lâm – Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ và PGS. TS Trần Văn Hải –  Chủ nhiệm bộ môn Sở hữu trí tuệ, trường Đại học KHoa học Xã hội và Nhân văn.

 Phóng viên hỏiThưa Bà Nguyễn Thu Anh, sở hữu trí tuệ được đánh giá là một loại tài sản quan trọng, có giá trị nhất đối với mỗi doanh nghiệp. Vậy, tài sản trí tuệ sẽ mang lại cho doanh nghiệp những lợi thế gì, theo Bà?

 Trả lời: Khi DN có Nhãn hiệu, sáng chế, KDCN… áp dụng cho sản phẩm và được bảo hộ, thì các đối tượng SHTT này sẽ trở thành tài sản của doanh nghiệp, và mang lại cho DN rất nhiều lợi thế, cụ thể là: Lợi thế phát triển sản phẩm: SHTT nâng cao niềm tin, sự tự tin và lòng trung thành với người tiêu dùng mà DN đang tiếp thị. SHTT cung cấp hình ảnh, danh tiếng và sự nhận diện khác biệt cho DN, nhờ đó khách hàng có thể nhận diện được, phân biệt được.. Lợi thế cạnh tranh: Quyền SHTT là quyền độc quyền, do đó khi nắm giữ độc quyền về nhãn hiệu, kiểu dáng và sáng chế cho một sản phẩm thì đương nhiên các đối thủ cạnh tranh sẽ không được phép khai thác và sử dụng các nhãn hiệu, KDCN và sáng chế đó để sản xuất sản phẩm, vì thế DN duy trì được vị thế cạnh  tranh đối với SP đó trên thị trường. SHTT là biện pháp phòng thủ của DN trước các đối thủ cạnh tranh tiềm năng. Khi doanh nghiệp tung một sản phẩm mới ra thị trường, các đối thủ đều dòm ngó và tìm kiếm những yếu tố để có thể loại bỏ sản phẩm đó khỏi thị trường, một trong những chiến lược cạnh tranh của đối thủ là tìm xem sản phẩm mới của DN có vi phạm quyền SHTT của họ không? Do đó, nếu sản phẩm mới của DN được bảo hộ quyền SHTT thì đó cũng là một biện pháp phòng thủ hữu hiệu cho DN. Nâng cao giá trị doanh nghiệp: Quyền SHTT khi được bảo hộ sẽ trở thành tài sản và vì thế SHTT cũng có thể chuyển giao, chuyển nhượng. Các doanh nghiệp đang sở hữu những nhãn hiệu có danh tiếng, bên cạnh việc tự khai thác độc quyền sử dụng quyền SHTT để sản xuất và kinh doanh sản phẩm, DN còn  có thể chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu thông qua việc nhượng quyền kinh doanh, ví dụ: “Kentucky Fried Chicken”, Nhãn hiệu “Trung Nguyên”, “Phở 24” ; chuyển giao công nghệ chứa đụng sáng chế, KDCN cho sản phẩm. Quyền SHTT  làm tăng giá trị DN một cách đáng kể khi mua bán sát nhập doanh nghiệp; có thể nâng cao giá trị của DN trong mắt hoặc các nhà đầu tư và các tổ chức tài trợ…

 Phóng viên hỏi: Vậy, để một đối tượng quyền sở hữu trí tuệ được bảo hộ, doanh nghiệp cần tiến hành thủ tục gì, thưa Bà? Có phải mọi đối tượng đều phải đăng ký với Cục Sở hữu trí tuệ không, thưa Bà?

 Trả lời: Một số tài sản sở hữu trí tuệ phải được đăng ký và chỉ sau khi được cấp VBBH và mới có thể trở thành tài sản của DN, ví dụ: Nhãn hiệu hàng hóa, Sáng chế và KDCN, Chỉ dẫn địa lý, thiết kế bố trí mạch tích hợp … phải được đăng ký xác lập quyền; Tuy nhiên, tên thương mại, bí mật kinh doanh, thì không cần phải đăng ký mà chỉ cần đáp ứng DK bảo hộ. BQTG cho các tác phẩm VH, NT, phần mềm máy tính, sưu tập dữ liệu cũng sẽ dược bảo hộ không cần đăng ký, ngay khi nó được tạo ra ở một trạng thái vật chất nhất định mà không cần phải đăng ký; Hiện nay, một số doanh nghiệp VN đã bắt đầu chú trọng đến việc bảo hộ tài sản tri tuệ, đặc biệt là bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa và KDCN vì các đối tượng này được tạo ra cũng dễ đang hơn, thủ tục xác lập quyền cũng đơn giản hơn. Việc tạo ra sang chế cũng đã đòi hỏi sự đầu tư, nghiên cứu tốn kém hơn, và DN VN ít có điều kiện đầu tư cho việc nghiên cứu triển khai tạo ra SC, thủ tục bảo hộ sáng chế nhưng cũng phức tạp hơn, đòi hởi DN phải có chuyên gia hiểu biết để có thể viết bản mô tả sáng chế và YCBH cho đúng với quy định của pháp luật.

 Phóng viên hỏi: Thưa Luật sư HàSHTT là một loại tài sản quan trọng đối với doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, dường như các doanh nghiệp Việt chưa thực sự quan tâm đến vấn đề bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ. Ông đánh giá như thế nào về thực trạng này, thưa Ông?

 Trả lời: Vấn đề SHTT rất được các doanh nghiệp quan tâm, mỗi ý tưởng, sản phẩm, thương hiệu đều được bảo hộ độc quyền trước khi xuất hiện trên thị trường. Minh chứng rất rõ như lượng đăng ký bảo hộ vẫn còn ít, chủ yếu là đối với nhãn hiệu, còn đối với các đối tượng có giá trị lớn như sáng chế, giải pháp hữu ích thì tỷ lệ ít… Các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa thực sự chú trọng đến vấn đề này. Nguyên nhân là do:

 – Hầu hết các doanh nghiệp mới chỉ quan tâm đến vấn đề phát triển sản phẩm, gọi vốn đầu tư, lập kế hoạch marketing, bán hàng mà quên mất vấn đề sở hữu trí tuệ, bảo vệ ý tưởng, bảo hộ thương hiệu vốn là quyền pháp lý rất quan trọng của người khởi nghiệp.

 – Nhận thức và nguồn cung cấp thông tin về sở hữu trí tuệ tại Việt Nam chưa nhiều, đặc biệt quan trọng đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp – những nhân tố rất cần quan tâm đến vấn đề này.

 – Giá trị của quyền SHTT thường không được đánh giá đầy đủ và tiềm năng của quyền SHTT cũng chưa được các doanh nghiệp nhận thức đúng mức.

 – Bất kể doanh nghiệp cung cấp sản phẩm hay dịch vụ gì thì chắc chắn là doanh nghiệp đã và đang sử dụng và tạo ra rất nhiều tài sản trí tuệ. Do đó, doanh nghiệp cần xem xét một cách có hệ thống các biện pháp cần thiết để bảo hộ, quản lý và thực thi quyền SHTT của mình nhằm đạt được hiệu quả kinh doanh tốt nhất từ quyền này

 Phóng viên hỏi: Vậy, bên cạnh nguyên nhân từ bản thân doanh nghiệp, thì theo quan sát của Ông, liệu còn có khó khăn, vướng mắc gì trong việc xác lập, đăng ký, ứng dụng tài sản trí tuệ hiện nay khiến các doanh nghiệp e ngại không, thưa Ông?

 Trả lời: Ngoài nguyên nhân xuất phát từ bản thân doanh nghiệp như đã trình bày ở trên thì theo tôi một phần cũng là do trên thực tế, nhiều quy định, vấn đề được đưa ra trong Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) còn chung chung, nên dẫn đến việc thực thi thiếu hiệu quả.

 – Luật SHTT của Việt Nam hiện nay có một vướng mắc khá lớn là trong quá trình hội nhập, chúng ta đã học hỏi được quốc tế khá nhiều kinh nghiệm để áp dụng cho Luật SHTT của ta nhưng lại chưa tính đến đặc thù của đất nước mình…

 – Khu vực kinh tế nhà nước đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Khối DN này quản lý một tài sản trí tuệ rất lớn của quốc gia nhưng chúng ta chưa có những quy định đặc thù để bảo vệ một cách hữu hiệu và quản lý nghiêm ngặt những sản phẩm trí tuệ ấy….vv

 Phóng viên hỏi: Thưa Ông, như trước đó Ông đã chia sẻ, hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam chưa thực sự quan tâm đến việc đăng ký, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, để xác lập quyền sở hữu trí tuệ, các doanh nghiệp cần phải tiến hành thủ tục gì?

 Trả lời: SHTT hoặc SHCN đều có yêu cầu khác nhau theo quy định của pháp luật. Để có được quyền đó, phải tùy vào đối tượng đó như thế nào. Nói chung, các đối tượng SHCN thường phải tiến hành đăng ký mới phát sinh quyền cho chủ sở hữu. Nếu như các DN tạo ra được các đối tượng SHCN nhưng không tiến hành đăng ký thì khả năng mất quyền đối với họ là nhãn tiền. Hoặc không còn đủ điều kiện bảo hộ hoặc bị đối tượng khác chiếm đoạt. Đây là những điều kiện bắt buộc…;

 – Ngoài ra, để đăng ký, DN thường phải hiểu biết pháp luật, hiểu đối tượng SHTT để xác định xem cần đăng ký cho đối tượng nào…

 – Nếu các DN tự làm được thì nộp trực tiếp cho Cục SHTT, nếu DN nào không làm được thì có thể thông qua các tổ chức đại diện SHTT

 – Ngoài quy định thủ tục của hệ thống pháp luật quốc gia, khi đăng ký ra nước ngoài, các DN còn phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt từ chính các quốc gia đó, họ có quy định riêng, thậm chí rất khác…

 Phóng viên hỏi: Vậy, lưu ý nào cho doanh nghiệp trong việc bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ, thưa Ông?

 Trả lời: Việc xác định đúng đối tượng và đăng ký quyền SHTT nó quyết định đến việc thành bại của chính DN;

 – Tài sản của DN, DN phải có ý thức bảo vệ… Việc tạo lập một hành lang pháp lý trước khi đưa hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ của mình ra thị trường, đặc biệt là thị trường nước ngoài, chúng ta tính đến thị trường tiềm năng… ;

 – Công tác tự bảo vệ mình cũng rất quan trọng, tự bảo vệ bằng cách kiểm soát, liệu có đối thủ cạnh tranh đăng ký quyền tương tự ngay từ đầu để phản đối, khiếu nại, phối hợp với cơ quan thực thi để bảo vệ cho mình…vv

 Phóng viên hỏi: Thưa Ông Trần Văn Hải, thực tế cho thấy, không ít thương hiệu của doanh nghiệp Việt đã bị nước ngoài đăng ký, phải kể đến như nước mắm Phú Quốc, cà phê Trung Nguyên, kẹo dừa Bến Tre… hay vừa qua là câu chuyện của cà phê Buôn Ma Thuột.  Vậy, thực trạng này nói lên điều gì?

 Trả lời: Ví dụ, bài học từ thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột, mặc dù đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột cho sản phẩm cà phê nhân, nhưng trong một thời gian khá dài, doanh nghiệp đã không phát triển “Buôn Ma Thuột” cho sản phẩm cà phê ra thị trường các nước có khả năng tiêu thụ cà phê của mình. Chính vì vậy, một doanh nghiệp ở Trung Quốc đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu “Buôn Ma Thuột” bằng chữ Trung Quốc. Sau đó, Việt Nam rất vất vả mới lấy lại thương hiệu “Buôn Ma Thuột” nhưng chỉ ở thị trường Trung Quốc…  Giá kể, hơn 10 năm trước, chúng ta đăng ký nhãn hiệu này ở thị ttrường nước ngoài thì sau này, hơn 10 năm sau sẽ không có tranh chấp…

 – Thực trạng này nói lên một điều rằng, các doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ…

 – Thực tế cho thấy, sự chủ quan, chậm trễ trong đăng ký bảo hộ thương hiệu ở nước ngoài đã khiến không ít doanh nghiệp Việt đánh mất tên sản phẩm của chính mình. Không những thế, tên thương hiệu cũng gắn với chỉ dẫn địa lý của Việt Nam, cũng là tài sản của Nhà nước.Việc chủ thể nước ngoài sở hữu nó đồng nghĩa với việc tài sản Nhà nước bị rơi vào tay người khác. Nguy hại hơn, sản phẩm đó có thể bị kiện hoặc bị ngăn chặn xuất khẩu ngay tại cửa khẩu biên giới các nước với lý do xâm phạm độc quyền nhãn hiệu..Chính vì vậy, các doanh nghiệp cần chú trọng khâu đăng ký…

 – Một vấn đề khác, quy mô nhỏ, tiềm lực tài chính thấp nhưng điều đó không có nghĩa là doanh nghiệp được phép coi nhẹ vai trò của sở hữu trí tuệbởi lẽ, với chủ các doanh nghiệp, sở hữu trí tuệ không chỉ là yếu tố tài sản mà còn là sự sống còn trong bối cảnh hội nhập, cạnh tranh ngày càng gay gắt như hiện nay…

  Trần.T.M.Nguyệt

 Nguồn: https://moj.gov.vn/qt/cacchuyenmuc/pldn/Pages/pho-bien-pl-doanh-nghiep.aspx?ItemID=48

 “Cục Công nghệ thông tin – Bộ Tư pháp”