PHÁT ĐỘNG CUỘC THI: “TÌM HIỂU PHÁP LUẬT VỀ PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG”

 Tại Lễ phát động cuộc thi, đại diện Lãnh đạo Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ cho biết, đối tượng tham dự là cán bộ, công chức, viên chức và người dân, trừ thành viên Ban Tổ chức, thành viên Ban Đề thi, thành viên Ban Giám khảo, thành viên Tổ Thư ký Cuộc thi. Cuộc thi sẽ được tổ chức thành 02 vòng. Vòng sơ kết chấm lấy 100 bài dự thi hoặc 10% tổng số bài dự thi có điểm cao nhất vào Vòng chung kết. Vòng chung kết chấm để lựa chọn ra các giải theo cơ cấu: 01 giải nhất; 02 giải nhì; 03 giải 3; 10 giải khuyến khích và 03 tập thể cho Bộ, ngành, địa phương có số người dự thi nhiều nhất và cho Bộ, ngành, địa phương có nhiều nhất số bài dự thi đạt giải.

 Nội dung thi là kiến thức pháp luật về PCTN, gồm các quy định về phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng, về chế độ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong PCTN, về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong PCTN…

 Về thể lệ cuộc thi có 2 phần. Phần 1 thi Trắc nghiệm với 25 câu hỏi về kiến thức pháp luật về phòng, chống tham nhũng, gồm các quy định về phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng, về chế độ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phòng, chống tham nhũng, về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong phòng, chống tham nhũng; hiểu biết về sự phát triển của pháp luật về phòng, chống tham nhũng qua các thời kỳ…

 Phần 2 có 01 câu hỏi tự luận, người dự thi trình bày các giai đoạn phát triển của pháp luật về phòng, chống tham nhũng từ năm 1945 đến nay ở nước ta. Đồng thời, đánh giá về tình hình tham nhũng trong thời gian gần đây, cũng như có đề xuất giải pháp nào để ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng ở nước ta trong thời gian tới.

 Phát biểu tại Lễ phát động Cuộc thi, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi Trần Ngọc Liêm cho biết, ngày 20/11/2018, kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2019. Để luật sớm đi vào cuộc sống, ngày 11/7/2019, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 861/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2019-2021”. Theo Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm, để triển khai có hiệu quả và thực chất có nhiều hình thức làm khác nhau, tuy nhiên một trong những hình thức để người dân, cán bộ, viên chức biết tới nhiều nhất đó là tham gia, theo dõi cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về phòng, chống tham nhũng”.

 Đồng thời, cuộc thi được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức về PCTN của cán bộ, công chức, viên chức và người dân, qua đó nâng cao chất lượng, hiệu quả việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ, góp phần PCTN. Qua đó, phát huy tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong thực hiện pháp luật về PCTN; cũng như việc quan tâm, phối hợp của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và tạo sức lan tỏa, hình thành ý thức tự giác thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN.

 Phó Tổng Thanh tra Trần Ngọc Liêm yêu cầu, việc tổ chức Cuộc thi ngoài đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 còn phải được tiến hành nghiêm túc, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương thông qua các bài dự thi hợp lệ được gửi về Ban Tổ chức, tạo không khí sôi nổi, thu hút sự tham gia của các cán bộ, công chức, viên chức và người dân trong cả nước. Phó Tổng Thanh tra Chính phủ cho rằng, sau 2 năm triển khai thực hiện, đến nay Đề án “Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2019-2021” đã chuẩn bị kết thúc. Dù chưa có tổng kết, đánh giá chính thức, tuy nhiên, với những kết quả bước đầu đáng ghi nhận, cho phép chúng ta tin tưởng Đề án sẽ thành công, đạt được nhiều mục tiêu quan trọng đề ra.  Bên cạnh đó, Cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về phòng, chống tham nhũng” được tổ chức vào thời điểm này sẽ tạo không khí sôi nổi, thu hút sự tham gia của các cán bộ, công chức, viên chức và người dân trong cả nước. Đồng thời, phát huy tính tiên phong, gương mẫu của của cán bộ, đảng viên trong thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Ông bày tỏ hy vọng, Cuộc thi sẽ nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình, tham gia tích cực của đông đảo nhân dân, những người luôn quan tâm đến công tác phòng, chống tham nhũng, nhất là các cán bộ trong ngành Thanh tra. Phó Tổng thanh tra yêu cầu Ban tổ chức cuôc thi cần phối hợp tốt hơn nữa với Tạp chí Thanh tra, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra, Trường Cán bộ thanh tra, Trung tâm Thông tin trong công tác thông tin tuyên truyền để cuộc thi được lan tỏa rộng rãi, mang ý nghĩa tốt.

 Thời gian nhận bài thi tính từ ngày phát động cuộc thi đến hết ngày 15/10/2021 (thời gian nhận bài thi được tính theo dấu bưu điện). Địa chỉ nhận bài thi: Báo Thanh tra, số 100 Tô Hiệu, Hà Đông, Hà Nội.

 Dự kiến thời gian trao giải và tổng kết cuộc thi vào tháng 12/2021. Trường hợp không thể tổ chức trao giải trực tiếp vì phòng dịch Covid, Ban Tổ chức sẽ trao giải trực tuyến và gửi giải thưởng theo địa chỉ của người trúng giải.

 Mọi thông tin chi tiết về Cuộc thi được đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử của Thanh tra Chính phủ (http://www.thanhtra.gov.vn), Tạp chí Thanh tra (Thanhtravietnam.vn) và Báo Thanh tra (thanhtra.com.vn).

 Về cơ cấu giải thưởng gồm: Giải cá nhân: 01 giải nhất; 02 giải nhì; 03 giải ba; 10 giải khuyến khích. Giải tập thể: có 03 giải cho các bộ, ngành, địa phương có số người dự thi nhiều nhất và bộ, ngành, địa phương có nhiều bài dự thi đạt giải.

 Ghi rõ nguồn ‘Cổng Thông tin điện tử Thanh tra chính phủ’ hoặc ‘www.thanhtra.gov.vn’

  

  

  

  

  

  

 Tag: tìm đáp 2021